TRONG CÕI PHÀM THÁNH
ĐỒNG CƯ CỦA TÂY PHƯƠNG
CỰC LẠC THẾ GIỚI,
CHƯA ĐOẠN PHIỀN NÃO
Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
Chẳng tạo chấp trước như Kinh Hoa Nghiêm đã nói, tức là chẳng còn chấp trước hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, đoạn kiến tư phiền não, lục đạo bèn chẳng còn. Lục đạo không có, Tứ Thánh pháp giới sẽ hiện tiền, vẫn là bốn tầng bậc. Thấp nhất là Thanh Văn A La Hán, ở nơi ấy, toàn bộ đều là A La Hán.
Lên cao hơn là Bích Chi Phật, lên cao hơn nữa Bồ Tát, lên cao hơn nữa là Phật, Phật ở đây là Phật trong mười pháp giới. Trong Tịnh Độ, Tứ Thánh pháp giới được gọi là Cõi Phương Tiện Hữu Dư, lục đạo được gọi là Cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Vượt thoát mười pháp giới mới là Cõi Thật Báo Trang Nghiêm.
Những cõi ấy do đâu mà có?
Toàn là do tâm của chính mình biến hiện, phải nhớ điều này. Bốn cõi, mười pháp giới toàn là do tâm hiện, thức biến, ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp chẳng có tâm, thật đấy, chẳng giả đâu.
Chính mình biến hiện cho chính mình thụ dụng, ngay cả địa ngục A tỳ cũng do chính mình biến hiện. Tâm hạnh quý vị bất thiện bèn biến hiện cảnh giới ấy, quý vị đến đó chịu khổ, đấy là tự làm, tự chịu.
Vì thế, hiểu đạo lý này, chúng ta bèn hiểu rõ ý niệm có quan hệ quá lớn, khởi tâm động niệm chớ nên có ác niệm, ác niệm là phiền não. Đừng nên sanh phiền não, sanh phiền não sẽ có quả báo, chẳng phải là sanh xong rồi thôi.
Dẫu thân và miệng chúng ta chưa làm, mới dấy lên một niệm, niệm ấy đã kết thành nghiệp, chẳng cần đến thân và miệng. Hễ khởi tâm động niệm, quý vị đã tạo nghiệp. Trong A lại da có chủng tử của nghiệp tập ấy, gặp duyên, quả báo sẽ hiện tiền.
Do vậy, chẳng đoạn một phẩm phiền não, cớ sao có thể thành Phật?
Há có đạo lý ấy?
Ngay cả Tu Đà Hoàn mà còn chưa đạt được, làm sao có thể thành Phật cho được?
Thật vậy. Trong Cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, chưa đoạn phiền não, chữ phiền não ở đây nhằm nói tới kiến tư phiền não chưa đoạn. Sanh đến Thế Giới Cực Lạc, dẫu là Hạ Hạ Phẩm Vãng Sanh trong Cõi Phàm Thánh Đồng Cư, vẫn là A Duy Việt Trí Bồ Tát. Trong lời nguyện thứ mười hai, A Di Đà Phật đã nói như vậy, A Di Đà Phật chẳng nói lời giả.
A Duy Việt Trí là Bồ Tát như thế nào?
Bồ Tát đã đạt ba món bất thoái. Chúng ta biết vị bất thoái, vừa mới chứng đắc vị bất thoái là Tu Đà Hoàn. Do vậy, Tu Đà Hoàn là Thánh Nhân.
Tuy là vị Thánh nhỏ nhoi mới đoạn hết tám mươi tám phẩm kiến hoặc, chứng vị bất thoái, vị bất thoái là gì?
Chẳng lui sụt thành phàm phu, chẳng đọa trong tam ác đạo. Tuy chưa thoát khỏi lục đạo luân hồi, vị ấy đã được đảm bảo chẳng đọa trong tam đồ, bảy lần sanh tử trong Cõi Trời hay trong nhân gian, bất luận có Phật xuất hiện trên thế gian hay không, vị ấy đều có thể chứng đắc quả A La Hán, luôn có thể chứng quả.
Cũng tức là tuy vị ấy chưa vượt thoát lục đạo luân hồi, Ngài là Thánh Nhân, chẳng phải là phàm nhân, vị bất thoái mà. Hạnh bất thoái là Bồ Tát. Bồ Tát phát bồ đề tâm, hạnh bèn chẳng thoái. Chẳng phát bồ đề tâm sẽ thoái chuyển. Bồ Đề tâm chẳng dễ phát.
Địa vị cao nhất là niệm bất thoái, chúng ta thường nói niệm bất thoái là một mục tiêu, một phương hướng, dũng mãnh tinh tấn, đấy là ai?
Pháp thân Bồ Tát, vượt thoát mười pháp giới. Từ giáo pháp đại thừa, chúng ta thấy chân tướng sự thật ấy, mới hiểu pháp môn này thật sự khó tin.
Thật sự khó tin nhưng chúng ta tin, chúng ta tin vào khái niệm ấy có đúng hay không?
Lòng tin ấy có tầng cấp, quý vị thấy phàm nhân chúng ta thường nói mê tín, chánh tín, và chân tín, tức là ba cấp bậc. Kẻ mê tín đông đảo, thấy kẻ khác tin nên chúng ta cũng tin, trong Kinh Luận Tịnh Độ rốt cuộc giảng lý luận gì, không biết.
Do không biết, nên gọi là mê tín. Quý vị thật sự hiểu rõ ràng, minh bạch Kinh Giáo thì gọi là chánh tín. Chánh tín vẫn chưa phải là chân tín. Tuy hiểu minh bạch, rõ ràng, vẫn chưa muốn sanh về, vẫn còn rất lưu luyến thế gian này, đó chẳng phải là chân tín. Chẳng thể nói quý vị mê tín, vì quý vị thật sự hiểu rõ ràng, minh bạch.
Khi nào tình chấp của quý vị đối với lục đạo, Cõi Trời, nhân gian đều buông xuống hết, quý vị sẽ thật sự tin tưởng, chỉ có người chân tín mới có thể thành tựu trong một đời, vì sao?
Người ấy chắc chắn vãng sanh.
Nếu quý vị hỏi vì sao người ấy có thể chắc chắn vãng sanh?
Người ấy chẳng hề có mảy may vướng mắc thế gian này, đạo lý là như thế đó. Không ai chướng ngại quý vị, mà là chính mình chướng ngại chính mình.
Vì sao quý vị vẫn tham luyến thế gian này?
Nói thật ra, do tập khí đấy. Cổ Thánh Tiên Hiền Trung Quốc gọi tập khí là tập tánh, bổn tánh vốn thiện, tập tánh bất thiện. Tập tánh là từ vô thỉ kiếp cho tới nay, đời đời kiếp kiếp dưỡng thành, chẳng phải chỉ trong một đời này, mà là đời đời kiếp kiếp, rất phiền phức.
***