TÔN THÍCH CA MÂU NI PHẬT LÀM THẦY, THEO PHẬT HỌC KINH GIÁO, NÂNG CAO ĐỨC HẠNH VÀ ĐỊNH HUỆ CỦA CHÍNH MÌNH

TÔN THÍCH CA MÂU NI PHẬT

LÀM THẦY, THEO PHẬT HỌC

KINH GIÁO, NÂNG CAO ĐỨC HẠNH

VÀ ĐỊNH HUỆ CỦA CHÍNH MÌNH

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Thực hiện trọn vẹn phước thứ nhất thì đối với thiện nam tử, thiện nữ nhân như trong Kinh Phật đã nói, quý vị mới đạt tư cách ấy, quý vị là thiện nam tử, thiện nữ nhân.

Thiện nam tử, thiện nữ nhân mới có thể nhập Phật môn, tôn Thích Ca Mâu Ni Phật làm thầy, theo Phật học Kinh Giáo, nâng cao đức hạnh và định huệ của chính mình.

Vì lẽ đó, đối với điều thứ hai trong ba phước, quý vị thấy thọ trì Tam quy, trọn đủ các giới, chẳng phạm oai nghi, đó là pháp xuất thế. Thọ trì Tam quy, thật sự Bái Sư, bái Thích Ca Mâu Ni Phật làm thầy, tiếp nhận giáo huấn của Thích Ca Mâu Ni Phật.

Thích Ca Mâu Ni Phật dạy những gì?

Dạy Tam quy, Phật dạy quý vị điều này, Tam quy là nguyên tắc chỉ đạo cao nhất trong việc học Phật.

Quý vị làm thế nào mới có thể thành Phật?

Phương pháp thành Phật vô lượng, vô biên, nên Đức Phật nói vô lượng pháp môn. Vô lượng pháp môn xét đến cuối cùng, đến khi thật sự thành Phật, quy nạp lại thì chỉ có ba môn, bất luận theo một môn nào trong ba môn này, quý vị chỉ cần đạt được một môn sẽ thành Phật. 

Vô lượng pháp môn ví như vô lượng đường lối, bất luận quý vị từ đâu đến, hễ đến đại điện của Phật, đại điện ấy chỉ có ba cửa, theo bất cứ cửa nào để bước vào.

Hễ vào được một môn, môn nào quý vị cũng đạt đến, các pháp môn bình đẳng. Các pháp môn chính là ba môn Giác, Chánh, Tịnh được dạy bởi Tam quy. Quy y Phật, Phật đại diện cho giác môn, có thể thành Phật, giác chứ không mê.

Môn thứ hai là pháp, pháp là chánh môn, chánh tri, chánh kiến. Môn thứ ba là tịnh môn, tâm địa thanh tịnh, tịnh mà bất nhiễm. Ba môn ấy là thành Phật chi môn.

Theo môn nào để vào?

Căn tánh của mỗi người khác nhau. Nói thông thường, giác môn khó nhất. Người thượng thượng căn và Thiền Tông đi theo môn này, Tánh Tông đi theo môn này, thượng trung hạ tam căn đều chẳng có phần.

Vậy thì làm sao?

Ba căn thượng, trung, hạ thường theo chánh môn, tức là quy y Pháp, pháp là chánh chứ không tà. Môn này giống như cách tổ chức trong nhà trường, có tiểu học, có trung học, có đại học, có nghiên cứu sinh. Quý vị có thể tiến dần dần, học tập dần dần. Giác môn chẳng có chuyện này.

Giác môn là một bước lên Trời, chẳng có tầng cấp, có thể tiến lên bèn thành Phật. Chẳng thể đi lên thì bất cứ điều gì cũng đều chẳng thể thành.

Giống như lên cầu thang, thuở chúng tôi còn trẻ, học Phật, thầy bảo chúng tôi, giác môn là gì?

Giác môn giống như đi thang máy, sau khi bước vào, thang máy chạy đến tận tầng cao nhất mới mở cửa cho quý vị bước ra.

Nếu quý vị chẳng có năng lực ấy, chẳng có năng lực ấy tức là ba căn thượng, trung, hạ, sẽ như thế nào?

Trèo cầu thang. Pháp môn theo chánh môn là trèo cầu thang. Quý vị có thể trèo lên từng tầng một, cũng có thể tiến đến đỉnh. Pháp môn thứ ba tương đối đặc thù, tức là Tịnh Môn chuyên tu tâm thanh tịnh, tâm địa thanh tịnh cũng có thể lên tới đỉnh.

Hai tông phái thuộc Tịnh Môn: Tịnh Độ Tông đi theo hạnh môn này, Mật Tông cũng theo hạnh môn này, Mật Tông là tu tâm thanh tịnh. Đều là tu tâm thanh tịnh, nhưng phương pháp tu hành khác nhau.

Tịnh Tông như thế nào?

Xa lìa nhiễm ô, nên Tu Tịnh Độ tương đối dễ dàng.

Mật chẳng lìa nhiễm ô, nên Mật đạt được thanh tịnh chắc chắn là phải cao hơn Tịnh, vì sao?

Tu thanh tịnh trong nhiễm ô, đó là chân thanh tịnh. Chuyện này kẻ bình phàm cũng chẳng thể làm được, nên hiện thời, người tu Mật Pháp thành tựu ít ỏi. Lão Cư Sĩ Hoàng Niệm Tổ cho tôi biết cụ học Mật, thầy Lý cũng học Mật, họ đều bảo tôi quá ư là khó. Tôi học Phật, thân cận vị thiện tri thức đầu tiên là Chương Gia Đại Sư, Ngài là bậc Đại Đức trong Mật Tông.

Vị này là người tốt, là thiện tri thức thật sự, vì sao?

Ngài chẳng dạy tôi học Mật, mà dạy tôi học Hiển Giáo, học Giáo.

Vì sao không cho tôi học Mật?

Ngài nói rất rõ ràng.

Ngài nói đối với Mật, lấy trường học để tỷ dụ thì Mật thuộc giai đoạn nào?

Là lớp tiến sĩ, là lớp tiến sĩ thuộc viện nghiên cứu.

Giáo là gì?

Giáo là đại học, trung học, và tiểu học. Quý vị phải học bắt đầu từ tiểu học, tiến lên dần dần. Học xong tiểu học bèn học trung học. Học xong trung học bèn học đại học, học đại học xong bèn học nghiên cứu sinh, học xong nghiên cứu sinh rồi cuối cùng mới học lớp tiến sĩ.

***