TINH TẤN LÀ BUÔNG XUỐNG

TINH TẤN LÀ BUÔNG XUỐNG

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Đốn ly niệm tướng, vị chi niệm không nhanh chóng lìa khỏi tướng niệm, gọi là niệm không: Đến cảnh giới này, nếu chúng ta hỏi người ấy còn có niệm hay không?

Ngàn vạn phần đừng hiểu lầm là đến khi đó, người ấy chẳng niệm Phật. Không niệm sẽ đọa vào không, lầm lẫn lớn lắm.

Tới khi ấy, sáu chữ hồng danh vẫn cứ tiếp tục không gián đoạn như vậy, đúng như câu nói: Niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm, chẳng phải là không có niệm. Đại Thế Chí Bồ Tát là Đẳng Giác Bồ Tát, mà Ngài vẫn đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế nhiếp trọn sáu năm, tịnh niệm tiếp nối, chẳng gián đoạn. Đấy mới là người niệm Phật chân chánh.

Câu Phật Hiệu của Ngài giống hệt chúng ta, suốt ngày từ sáng đến tối chúng ta cầm xâu chuỗi, có lẽ Ngài cũng cầm xâu chuỗi, một câu Nam Mô A Di Đà Phật từ trước đến nay chưa hề gián đoạn, nhưng cảnh giới chắc chắn khác nhau, vì sao?

Chúng ta niệm Phật chấp tướng, còn Ngài vô tướng niệm Phật. Chúng ta là hữu niệm niệm Phật, còn Ngài là ly niệm niệm Phật. Chúng ta sống trong mười pháp giới, Ngài sống trong nhất chân pháp giới.

Chúng ta chỗ nào cũng bị chướng ngại, còn Ngài chỗ nào cũng vô chướng ngại, giống như lý sự vô ngại, sự sự vô ngại trong Kinh Hoa Nghiêm, làm sao chúng ta và Ngài giống nhau cho được?

Trong cảnh giới, chúng ta thấy có các thứ sai biệt, bất bình đẳng, còn tâm địa của Ngài thanh tịnh, bình đẳng, thụ dụng khác hẳn nhau.

Quý vị nghe những lời này xong, nhất định sẽ suy tưởng: Chúng ta phải làm sao để cũng có thể niệm đạt tới cảnh giới ấy?

Đấy là lý nhất tâm bất loạn. Nếu quý vị muốn đạt tới cảnh giới ấy, ắt phải đã tinh tấn, lại càng tinh tấn hơn.

Tinh tấn nơi điều gì?

Lão Tử đã nói: Vị học nhật ích, vị đạo nhật tổn vì sự học mà ngày càng tăng, vì đạo mà ngày càng ít đi. Cầu học thuật thế gian bèn muốn nó hằng ngày tăng trưởng, đó là tiến bộ.

Nếu cầu đạo, đạo là tâm thanh tịnh, phải nên làm như thế nào?

Phải nên ngày càng buông xuống, tổn là chẳng nhiễm mảy trần.

Trong phần trước, Đại Sư có nói: Phóng hạ, hựu phóng hạ đã buông xuống, lại càng buông xuống nhiều hơn. Học đạo là như vậy đó.

Tinh tấn trong Phật Pháp nghĩa là gì?

Tinh tấn là buông xuống. Chẳng những ngũ dục, lục trần trong thế gian phải buông xuống, mà ngay cả Phật Pháp cũng phải buông xuống. Ngũ dục, lục trần trong thế gian là bệnh, Phật Pháp là thuốc, lấy thuốc trị bệnh, bệnh lành rồi, chẳng cần đến thuốc nữa.

Đúng như câu nói: Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp pháp còn nên bỏ, huống hồ phi pháp.

***