TÂM TA LẪN HÀNH VI ĐỀU TỐT ĐẸP, Ở NƠI ĐÂU, NƠI ẤY CHẲNG CÓ TAI NẠN

TÂM TA LẪN HÀNH VI ĐỀU

TỐT ĐẸP, Ở NƠI ĐÂU,

NƠI ẤY CHẲNG CÓ TAI NẠN

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Trong vũ trụ, A Di Đà Phật lập một Phật Học Viện, mười phương Chư Phật Như Lai, quý vị thấy chẳng có vị Phật nào không khuyên đệ tử của Ngài đến học trong Thế Giới Cực Lạc. Vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là đến học trong Thế Giới Cực Lạc, nay chúng ta nói là du học, vãng sanh là đến du học trong Thế Giới Cực Lạc.

Đến bên kia chắc chắn thành Phật, lại còn hết sức nhanh chóng. Hạ Hạ Phẩm vãng sanh trong Cõi Phàm Thánh Đồng Cư, mười hai kiếp bèn thành Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật nói lời này trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, quyết định chẳng phải là giả.

Trong thế gian này, nếu muốn thành Phật, Đức Phật nói phải trải qua vô lượng kiếp, đến Thế Giới Cực Lạc chỉ mất mười hai kiếp, quý vị thấy đỡ tốn bao nhiêu thời gian.

Đây là nói về trường hợp chậm nhất. Nếu công phu tu hành của quý vị khá hơn, có thể vãng sanh trong Trung Phẩm hoặc thượng phẩm, đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới đại khái chỉ có hai kiếp hoặc ba kiếp bèn thành công.

Nếu là người thật sự niệm đến mức lý nhất tâm bất loạn, đại triệt đại ngộ, đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới bèn thành Phật, sanh trong Cõi Thật Báo Trang Nghiêm, chẳng phải là Cõi Đồng Cư, mà cũng chẳng phải là Cõi Hữu Dư, trực tiếp sanh vào Cõi Thật Báo.

Những lý sự này đều được Đức Phật giảng thấu triệt như vậy trong Kinh, chúng ta phải cảm tạ, đó là đại ân đại đức của Đức Phật dành cho chúng ta. Chúng ta thật sự hiểu rõ, minh bạch rồi, tâm niệm Phật mới thật sự phát khởi, thật sự tu hành, thật sự niệm Phật.

Vì sao?

Ta đã hiểu rõ, minh bạch chuyện này, mà cũng hiểu rõ ràng minh bạch thế giới này. Những sự tao ngộ trong mỗi đời của tất cả chúng sanh trong hết thảy các cõi nước, nói một câu chân thật thì đều là tự làm, tự chịu.

Đó chính là hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng, trong tâm quý vị nghĩ như thế nào, hoàn cảnh bên ngoài biến hiện như thế ấy, ai là chủ tể?

Chính mình là chủ tể. Trong ngàn Kinh muôn Luận, Đức Phật đã dạy điều này chẳng biết bao nhiêu lần.

Duy tâm sở hiện, tâm của ai?

Tâm của chính mình.

Duy thức sở biến, thức của ai?

Phân biệt và chấp trước của chính mình, chẳng liên can đến ai khác. Chớ nên chẳng biết chân tướng sự thật này. Nếu tâm người trên địa cầu chúng ta đều thiện, chẳng trái phạm Tam Học giới định huệ như Phật đã dạy trong Kinh Giáo.

Còn người chẳng học Phật, như người Trung Quốc chẳng hạn mà có thể tin tưởng giáo huấn của tổ tiên, tuân thủ luân lý, ngũ luân, ngũ thường, tứ duy, bát đức, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác, đều chẳng lìa các tiêu chuẩn ấy, thế giới này sẽ vô cùng tốt đẹp, thế giới này sẽ được gọi là cõi đời thịnh trị.

Trước hết, thân tâm mỗi người khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, sự nghiệp thuận lợi, xã hội hòa hài, thiên hạ thái bình. Do lòng người chiêu cảm, do lòng người tốt lành, nên núi, sông, đại địa hoàn toàn chẳng có các tai nạn, Kinh Phật đã dạy như vậy. Tướng do tâm sanh, cảnh chuyển theo tâm, tướng mạo và thân thể của chúng ta khỏe mạnh là do ý niệm chuyển biến.

Ý niệm của ta tốt đẹp, con người bèn khỏe mạnh, sống lâu, chẳng ngã bệnh. Tâm ta lẫn hành vi đều tốt đẹp, ở nơi đâu, nơi ấy chẳng có tai nạn. Điều này chẳng có gì hiếm hoi, lạ lùng, tình hình vốn là như thế đó. Hoàn cảnh đều là do ý niệm mà biến hóa. Vì thế, ý niệm rất bất phàm, sức mạnh của nó rất lớn.

Ý niệm bất thiện là tai nạn, tâm hạnh của quý vị chẳng lành thì đối với chính mình mà nói, chính mình toàn thân đầy bệnh tật, gia đình bất hòa, công việc chẳng thuận lợi, chỗ ở thường xảy ra tai nạn như hạn hán, lụt lội, động đất, đều do ý niệm của chính mình phát khởi, biến hiện. Đức Phật đã nói những điều này từ mấy ngàn năm trước.

Theo ghi chép của Tổ Tiên Trung Quốc và lịch đại Tổ Sư, khác với cách nói của người ngoại quốc, người ngoại quốc nói: Từ lúc Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ cho đến nay là hơn hai ngàn năm trăm năm mươi năm. 

Tổ Tiên người Trung Quốc ghi chép khác với cách nói ấy, họ chép rất rõ ràng là Thích Ca Mâu Ni Phật sanh nhằm năm thứ hai mươi bốn đời Châu Chiêu Vương, tức là năm Giáp Dần, Dần là cọp, Thích Ca Mâu Ni Phật tuổi Cọp, năm Giáp Dần mà.

Đức Phật diệt độ nhằm năm thứ năm mươi ba đời Châu Mục Vương. Nếu theo cách ghi chép này, từ khi Đức Phật diệt độ đến nay phải là ba ngàn lẻ ba mươi bảy năm, đó là cách nói được Chư Tổ tương truyền tại Trung Quốc.

Trong quá khứ, Lão Hòa Thượng Hư Vân đã dùng cách nói này, vị thuộc thế hệ trước đó là Ấn Quang Đại Sư cũng tuân theo cách nói này. Đương nhiên người ngoại quốc cũng có căn cứ, nhưng người Trung Quốc cũng có căn cứ, chẳng cần phải tranh luận chuyện này. Đây chẳng phải là chuyện to tát gì mà là chuyện nhỏ nhoi, chuyện vặt vãnh như lông gà, vỏ tỏi.

Đối với văn hóa của chính mình, đối với điều được Chư Tổ tương truyền, chúng ta phải có tín tâm. Lịch Đại Tổ Sư trong quá khứ tại Trung Quốc là những bậc hữu tu, hữu học, hữu chứng, chẳng phải là kẻ tầm thường, người bình thường sẽ chẳng làm được, các Ngài thật sự là những vị tái lai.

***