TÂM SIÊNG NĂNG, TINH TẤN, MỘT MỤC TIÊU, MỘT PHƯƠNG HƯỚNG ĐỂ NỖ LỰC, ĐÓ LÀ HẠNH

TÂM SIÊNG NĂNG, TINH TẤN, MỘT

MỤC TIÊU, MỘT PHƯƠNG HƯỚNG

ĐỂ NỖ LỰC, ĐÓ LÀ HẠNH

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Nghe Kinh thì nghe một bộ Kinh càng nhiều lần càng hay.

Năm xưa, tại Lạc Sam Cơ Los Angeles có một vị cư sĩ tên là Triệu Lập Bổn nghe tôi giảng Lục Tổ Đàn Kinh và Kinh Kim Cang, chỉ nghe hai bộ Kinh ấy. Tôi ghé qua Los Angeles, ông ta kể với tôi đã nghe những băng giảng ấy hai mươi sáu lần.

Tôi khuyên ông ta: Ông hãy tiếp tục nghe không ngừng cho tới một trăm lượt. Nay tôi nghe những đồng tu bên Los Angeles kể ông ta giảng hai bộ Kinh ấy rất hay, thường có người mời ông ta giảng Kinh, đã thuần thục rồi.

Ông ta nói: Suốt đời tôi chẳng học thứ gì khác, chỉ học hai bộ Kinh này, thật thà niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ. Ông này là Giáo Sư Đại Học tại Mỹ, nay đã về hưu, thật sự có thành tựu.

Cổ Nhân thường nói: Thiên hạ vô nan sự, chỉ phạ hữu tâm nhân. Thiên hạ chẳng có chuyện gì khó, chỉ sợ thiếu người có tâm. Người có lòng thì trong thiên hạ chẳng có chuyện gì là khó. Tín nguyện chuyên chú, chuyên ròng sẽ thành công.

Do vậy, cớ sao chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối cứ làm những chuyện thị phi, nhân ngã, danh vọng, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, chẳng thể giống như cư sĩ Triệu Lập Bổn chuyên nhất nơi một bộ Kinh?

Tốn thời gian tám năm, ông ta đã giảng hai bộ Kinh ấy rất khá. Tiếp tục nỗ lực không ngừng, trong tương lai, ông ta sẽ là người có đầy uy tín về Kinh Kim Cang và Lục Tổ Đàn Kinh. Vì thế, nguyện thì phải có chánh nguyện, mong cầu chánh đáng, yêu mến chánh đáng, có thể mong cầu Tịnh Độ, nguyện sanh Tây Phương, đó là thuần chánh bậc nhất.

Nguyện dĩ nhi trì. Đã nguyện bèn gìn giữ, trì là bảo trì gìn giữ. Sau khi đã phát nguyện, phải có hằng tâm, tâm thường hằng, kiên nhẫn, nghị lực để gìn giữ không bị mất đi. Tâm cần tinh tấn.

Tâm siêng năng, tinh tấn, một mục tiêu, một phương hướng để nỗ lực, đó là hạnh. Ví như mỗi ngày nghe Kinh này tám tiếng đồng hồ, niệm Phật tám tiếng đồng hồ, đó là hạnh.

Kinh Vô Lượng Thọ là Kinh bậc nhất để mười phương ba đời hết thảy Chư Phật Như Lai độ chúng sanh thành Phật đạo. Từ hàng Bồ Tát trở xuống, giảng Kinh thuyết pháp đều cần phải được Phật lực gia trì. Bản thân Đức Phật giảng Kinh thuyết pháp tất nhiên chẳng cần được gia trì.

Nhưng từ Kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy Đức Thế Tôn Giảng Kinh Vô Lượng Thọ được A Di Đà Phật gia trì, được mười phương Chư Phật Như Lai gia trì. Vì thế, Ngài dấy lên ý niệm muốn giảng bộ Kinh này, thụy tướng tướng trang nghiêm tốt lành đặc biệt đẹp đẽ.

Ngài A Nan làm thị giả của Đức Phật, suốt đời chưa từng thấy tướng hảo như vậy, đó là gì?

Mười phương Chư Phật gia trì.

Đức Phật giảng những Kinh khác có hiện tượng này hay không?

Quý vị hãy tra duyệt Đại Tạng Kinh, chẳng có. Quý vị bèn hiểu bộ Kinh này có công đức và lợi ích chẳng thể nghĩ bàn. Đức Phật giảng bộ Kinh này, mười phương Chư Phật đều gia trì. Vì thế, đọc và thọ trì bộ Kinh này, cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn. Hiện thời có chẳng ít đồng tu mỗi ngày niệm mười lượt, đó là hạnh.

***