QUÝ VỊ THẬT SỰ ĐẮC ĐIỀU GÌ THÌ MỚI CÓ THỂ SIÊU ĐỘ NGƯỜI KHÁC

QUÝ VỊ THẬT SỰ ĐẮC

 ĐIỀU GÌ THÌ MỚI CÓ THỂ

SIÊU ĐỘ NGƯỜI KHÁC

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Năm xưa, tôi đến Hương Cảng, mỗi lần sang đó, chúng tôi nhất định gặp mặt. Cuốn Ảnh Trần Hồi Ức Lục do Sư viết. Trong ấy có một câu chuyện hết sức rõ rệt, là một tấm gương, chúng ta hãy nên ghi nhớ.

Câu chuyện ấy có tiểu đề là tám năm chuyên gắng đọc Kinh Lăng Nghiêm. Nhân vật chính trong câu chuyện ấy là Lưu cư sĩ, về sau, ông ta cũng xuất gia. Những người ấy hiện thời đã mất, đại khái là người vào thời đó cao hơn chúng tôi hai thế hệ. Lão Hòa Thượng Đế Nhàn là Sư Phụ của lão Pháp Sư Đàm Hư.

Thuở còn tại gia, Pháp Sư Đàm Hư quen biết Lưu cư sĩ. Pháp Sư Đàm Hư và Lưu cư sĩ là bạn bè, trước khi họ xuất gia, ba người tức Pháp Sư Đàm Hư, Lưu cư sĩ và một người bạn nữa hùn vốn mở một tiệm thuốc Bắc.

Thuở ấy, Lưu cư sĩ đã học Phật, mỗi ngày đọc Kinh Lăng Nghiêm. Kinh Lăng Nghiêm phân lượng cũng khá đáng nể, mười cuốn, văn tự rất dài. Mỗi ngày đọc một lần cũng phải mất vài giờ, chẳng dành ra năm sáu giờ mỗi ngày sẽ không thể niệm xong bộ Kinh này.

Ông Lưu làm như thế suốt tám năm. Có công phu thiền định hay không chúng ta chẳng biết, nhưng chúng ta có thể biết ông ta tâm địa thanh tịnh. Tám năm một bộ Kinh, thâm nhập một môn, huân tu lâu dài.

Có một hôm, vào giữa trưa, chẳng có ai đến tiệm mua bán, họ ngủ gục nơi quầy thuốc. Lưu cư sĩ mộng thấy có hai người, trong mộng thấy hai người ấy vào tiệm. Ông ta trông thấy có khách đến bèn đứng lên, thoạt nhìn thì ra hai người ấy là oan gia đối đầu, hai người đó đã chết.

Thuở họ còn sống, vì chuyện tiền bạc mà lôi nhau ra tòa, Lưu cư sĩ được quan tòa xử thắng kiện, hai người ấy bị xử thua. Chẳng ngờ, hai người ấy thắt cổ chết, nên Lưu cư sĩ cũng vì chuyện này mà cảm thấy rất áy náy.

Quý vị nghĩ xem vì tranh chấp món tiền nhỏ nhoi ấy mà khiến cho hai người mất mạng, ông Lưu cũng thường cảm thấy khó chịu, cảm thấy mình đã sai quấy, chẳng nên làm chuyện ấy.

Nay thấy hai con quỷ ấy đi đến, thoạt đầu, ông ta rất sợ hãi, có phải là họ đến báo thù hay chăng?

Nhưng quỷ đã đến rồi, còn có cách nào nữa?

Ông ta thấy hai quỷ hồn quỳ ngay xuống đất trước mặt ông ta, dường như chẳng có ác ý, liền hỏi họ: Các vị đến làm gì?

Đến cầu siêu độ. Lưu cư sĩ bèn yên tâm, họ không tìm đến gây rối, mà đến cầu siêu độ.

Ông ta hỏi: Dùng phương pháp gì để siêu độ quý vị?

Họ đáp: Chỉ cần Ngài đáp ứng là được rồi.

Ông Lưu nói: Được. Tôi chấp thuận. Ông ta thấy quỷ hồn đạp lên đầu gối, đạp lên vai rồi ra đi. Hai người ấy siêu thăng như vậy đó. Họ biến mất chưa được mấy chốc, lại có hai người đến, là một phụ nữ dắt theo một đứa nhỏ. Ông ta thấy chính là người vợ trước kia dẫn con đến, hai người ấy đều đã chết.

Thấy hai người họ cũng đến trước mặt cầu siêu độ, cũng là cùng một phương pháp giống hệt: Chỉ cần Ngài đáp ứng là được rồi.

Ông ta đáp: Tôi chấp nhận. Thấy hai người ấy cũng bò từ đầu gối lên đến vai, liền thăng thiên, biến mất. Quý vị thấy siêu độ là thật, chẳng giả, chẳng có bất cứ nghi thức gì, chỉ là đáp ứng.

Nhờ vào gì để siêu độ?

Nhờ vào công đức tám năm chuyên gắng đọc Kinh Lăng Nghiêm. Quý vị thật sự đắc điều gì thì mới có thể siêu độ người khác. Chẳng có thứ gì chân thật sẽ chẳng được. Vì thế, cổ nhân nói thành tắc linh.

Chúng ta niệm một bộ Kinh hồi hướng cho người ta, quý vị có phải là tâm chân thành niệm bộ Kinh ấy hay không?

Tâm chân thành là gì?

Niệm bộ Kinh ấy từ đầu đến cuối, trong tâm chẳng có một tạp niệm. Nếu dấy lên một vọng tưởng, công phu của quý vị đã bị phá hoại. Một vọng niệm chẳng có thì được.

Quý vị nói xem chúng ta làm Phật Sự Tam Thời Hệ Niệm, trong những người tham gia đông đảo ngần ấy, có được một hai người chẳng khởi một vọng niệm đối với nghi thức hệ niệm hay không?

Pháp Hội ấy thành công, không nhất định do chủ pháp Hòa Thượng. Chủ pháp Hòa Thượng khởi vọng tưởng, nhưng trong những người tham gia, chỉ cần có một người chẳng dấy vọng tưởng, Pháp Hội ấy thành công do dựa vào công đức của một người ấy.

Nếu Pháp Hội ấy rất đông người, mà chẳng có được một người nào như vậy, công đức ấy sẽ chẳng hoàn chỉnh, bị giảm bớt rất lớn. Chúng ta phải hiểu đạo lý này.

Quý vị thấy trong sách Liễu Phàm Tứ Huấn đã nêu một thí dụ Đạo Sĩ vẽ bùa. Đạo bùa ấy vẽ rất linh, dán ở cửa, quỷ thần đều chẳng dám bước vào, thật sự thiêng.

Vì sao?

Để vẽ đạo bùa ấy, người đó sau khi vạch một nét đầu tiên bèn một mực vẽ cho đến lúc xong xuôi, chẳng có một vọng niệm, đạo bùa ấy bèn linh. Nếu có một vọng niệm, đạo bùa ấy chẳng linh.

Vì lẽ đó, vẽ bùa phải được thường xuyên luyện tập. Luyện rất nhuần nhuyễn, động tác rất nhanh, rất nhanh thì thời gian vẽ ngắn ngủi, dễ dàng chẳng khởi vọng niệm, thời gian dài bèn khó hơn. Khó hơn mà làm được thì hiệu quả càng to.

Chúng ta hiểu nguyên lý sau đây: Thành tắc linh. Niệm Chú cũng giống như vậy.

Vì sao người ta nói Chú Lăng Nghiêm công đức to lớn?

Chẳng sai. Chú Lăng Nghiêm dài, mấy ngàn chữ. Niệm Chú xong, ước chừng phải mất hai mươi phút, không khởi một vọng niệm, công phu ấy to lắm. Quý vị niệm chú vãng sanh chẳng khởi vọng niệm, dễ dàng.

Chú Lăng Nghiêm chẳng dễ dàng, đều do đạo lý này. Công đức niệm Kinh càng thù thắng hơn nữa, Kinh còn dài hơn chú. Đơn giản nhất là một câu Phật hiệu A Di Đà Phật bốn chữ. Trong bốn chữ ấy, chẳng có vọng niệm khá dễ dàng. Nhưng bảo quý vị niệm một chuỗi, chúng ta lần tràng hạt niệm một trăm lẻ tám câu.

Trong một trăm lẻ tám câu ấy, chẳng có một vọng niệm, đó là công phu. Nếu quý vị niệm mười chuỗi, đối với một ngàn lẻ tám mươi câu Phật hiệu, trong ấy chẳng dấy lên một vọng niệm, công phu đấy.

Dùng điều này để hồi hướng, quý vị hồi hướng công đức ấy cho người chết, họ sẽ thật sự được lợi ích. Tuyệt đối chẳng phải là ta niệm một bộ Kinh bèn có thể siêu độ họ, niệm bao nhiêu biến chú bèn có thể siêu độ. Chẳng phải là như vậy, quý vị đã hiểu sai ý nghĩa.

***