PHẬT PHÁP LÀ SỐNG ĐỘNG, CHẲNG KHÔ KHAN CHÚT NÀO

PHẬT PHÁP LÀ SỐNG ĐỘNG,

CHẲNG KHÔ KHAN CHÚT NÀO

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Người thật sự tu hành là như Cổ Đại Đức đã nói tác giả tu chân nương vào cái giả để tu cái thật, hết thảy đều là giả, ta rèn luyện chính mình trong cái giả, rèn luyện sao cho vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình đều sạch sành sanh, luyện tới mức nhất niệm bất sanh.

Tâm Thanh Tịnh hiện tiền là A La Hán, tâm bình đẳng hiện tiền, quý vị là Bồ Tát. Nếu Chánh Giác hiện tiền sẽ thành Phật, những tâm này đều nằm trong tựa đề Kinh Vô Lượng Thọ.

Chúng ta đọc tiếp: Thật tướng vô tướng. Khi A Nan tự xưng là ta, chẳng hoại giả danh. Bởi lẽ, qua lại với người thế gian, mọi người đều nói ngã, nếu mình nói chẳng phải là ngã, mọi người sẽ nghĩ đầu óc ta có vấn đề, cho nên ta cũng nói ngã.

Nhưng ta nói ngã, ta biết nó là giả, chẳng thật, trọn chẳng chấp trước. Khi quý vị nói ngã bèn thật sự chấp trước, chẳng giống như Ngài A Nan nói ngã ở đây. Do phải hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức thì mới có thể trao đổi ý kiến, thực hiện công cuộc giáo học.

Do vậy, Phật, Bồ Tát ứng hóa trong thế gian này cũng nói ngã. Các Ngài hiểu thật tướng vô tướng, cố phi đồng ư phàm phu chi hữu. Ngã chẳng giống như phàm phu có ngã, phàm phu thật sự chấp trước thân này là ta, Phật, Bồ Tát chẳng vậy.

Thật tướng vô bất tướng thật tướng chẳng phải là không có tướng, chẳng phải là không có tướng vì nó hiện huyễn tướng, cố phi đồng ư Nhị Thừa chi vô ngã nên chẳng giống Nhị Thừa vô ngã, người Nhị Thừa là Thanh Văn, Duyên Giác, họ thật sự chấp trước thân này chẳng phải là ta, chấp trước thân vô ngã, chẳng có cách nào trao đổi với người khác.

Vì thế, Bồ Tát rất hoạt bát, thông quyền đạt biến, bên trong không có ta, nhưng bên ngoài quý vị nói gì ta cũng đều có thể tùy thuận, ta chẳng tranh cãi với quý vị. Quý vị nói thân này là ta, không sai. Thân này là ta. Đấy là Bồ Tát, là đại thừa.

Tiếp đó, cụ giải thích: A Nan tùy thuận thế gian, giả danh vi ngã, vô quai ư đệ nhất nghĩa đế. A Nan tùy thuận thế gian, giả gọi là ngã, chẳng trái nghịch đệ nhất nghĩa đế. Đệ nhất nghĩa đế là vô ngã, đệ nhất nghĩa đế là tự tánh, trong tự tánh chẳng chấp trước ngã, chẳng có ý niệm về ngã. Hựu Quán Kinh Sớ vân, vô ngã tắc vô văn.

Lại nữa, Quán Kinh nói: Không có ngã nên không nghe, không có ngã thì ai nghe?

Ai nói, ai nghe?

Vô văn tắc hóa đạo tuyệt không có nghe thì sự giáo hóa chấm dứt, giáo học coi như xong, chẳng thể thành lập. Vị truyền hóa bất tuyệt, giả danh thuyết ngã vì truyền thừa, giáo hóa bất tuyệt, nên giả gọi là ngã, truyền là lưu truyền giáo pháp, giáo học của Thích Ca Mâu Ni Phật, giáo hóa chúng sanh, đời đời truyền cho nhau, nhất định phải giả danh nói là ngã.

Phật, Bồ Tát thị hiện trong thế gian này, nếu chẳng thể hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, Phật Giáo sẽ đoạn diệt. Do vậy, tiếp xúc với người đời, nhất định phải hằng thuận chúng sanh, họ nói ngã, ta cũng nói ngã, chẳng có vấn đề, dễ dàng trao đổi, thông quyền đạt biến, chớ nên không biết những chuyện này.

Bởi thế, Phật Pháp là sống động, chẳng khô khan chút nào. Lại xem chữ kế tiếp, tức văn trong ngã văn. Văn giả, nhĩ căn phát nhĩ thức. Văn là nhĩ căn sanh ra nhĩ thức. Văn là từ nơi tai sanh khởi nhĩ thức nên người ấy mới có thể nghe. Nhĩ căn là nhục thân, nếu trong ấy chẳng có nhĩ thức sẽ chẳng thể nghe. Người đã chết, thần thức rời khỏi thân, tuy có tai, nhưng chẳng thể nghe.

Vì thế, nghe chẳng phải là tai nghe, mà là thức, tức là nhĩ thức. Kim bất vân nhĩ văn, nhi ngôn ngã văn nay chẳng nói tai nghe, mà nói ta nghe, nghe quả thật là do tai, nhưng không nói tai nghe mà nói ta nghe.

***