PHẬT PHÁP LÀ PHÁ MÊ KHAI NGỘ, CHẲNG MÊ TÍN

PHẬT PHÁP LÀ PHÁ MÊ

KHAI NGỘ, CHẲNG MÊ TÍN

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Trong định đột phá chiều không gian và thời gian, Trí Giả Đại Sư sau Thích Ca Mâu Ni Phật hơn một ngàn năm, mà Ngài có thể tiến nhập Đạo Tràng hơn một ngàn năm trước, có thể đích thân nghe Đức Phật giảng Kinh. Không chỉ có thể trở lại quá khứ, mà cũng có thể vượt đến tương lai.

Thích Ca Mâu Ni Phật có thấy thời đại hiện tại của chúng ta hay không?

Thấy được.

Nếu chẳng thấy, cớ sao Ngài có thể nói đoạn Kinh Văn ngũ thiêu, ngũ thống?

Đoạn ấy miêu tả gì vậy?

Xã hội hiện thời của chúng ta, Ngài đã thấy.  Không chỉ thấy hiện tại, mà còn thấy tới lúc pháp diệt tận.

Đức Phật có nói một bộ Kinh là Pháp Diệt Tận Kinh, đấy là thời đại nào?

Pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật là một vạn hai ngàn năm, lúc ấy là một vạn hai ngàn năm sau khi Đức Phật diệt độ, Đức Phật đã nói rõ trạng huống lúc ấy. Chẳng phải là tiên đoán, mà là chính mắt thấy, thấy chính xác. Khi chúng tôi còn trẻ, thấy rất nhiều dự ngôn của Trung Quốc và ngoại quốc.

Tôi từng hỏi thầy Lý, Thôi Bối Đồ, Thiêu Bính Ca của Trung Quốc có đúng hay không?

Thầy bảo tôi: Trong các dự ngôn của Cổ Nhân Trung Quốc, dự ngôn của Thiền Sư Hoàng Bá đáng tin, vì sao?

Ngài thấy trong định. Còn những thứ như Thôi Bối Đồ không nhất định hoàn toàn chuẩn xác, vì tác giả dựa vào lý số, toán học để suy đoán. Kinh Dịch của Trung Quốc là một cuốn sách cao thâm về toán học, từ toán học có thể suy đoán, toán học là mẹ của khoa học.

Nhưng chúng đúng là sai chỉ hào ly, lạc đi ngàn dặm, chẳng thể hoàn toàn chính xác, trong ấy vẫn còn có sai lầm. Còn có những tin tức do bọn đồng cốt truyền lại, tùy thuộc những linh quỷ dựa xác bọn đồng cốt thuộc đẳng cấp nào.

Tin tức do đồng cốt có quỷ thần cao cấp dựa thân truyền lại thường chính xác, nhưng tin tức của bọn đồng cốt thuộc tầng lớp rất thấp sẽ chẳng chính xác.

Chúng ta biết quỷ đạo có ngũ thông, do quả báo mà có, chẳng phải do tu được, do quả báo mà đạt được. Tầng lớp thông linh cũng khác nhau, và tùy thuộc tâm thái mỗi cá nhân khác nhau.

Nay chúng ta hiểu điều này, tâm thái chủ tể hết thảy: Tâm thái tốt, tầng lớp của quỷ bèn cao, tâm thái bất thiện, tầng lớp của quỷ cũng rất thấp. Nhưng chúng đều có năng lực vượt qua thời gian và không gian, nhưng quỷ thuộc tầng lớp thấp thì mức độ vượt qua chẳng lớn.

Những chuyện giống như vậy, trong đời này, đặc biệt là trong thời đại này, chúng ta thường gặp. Vì vậy, chính mình chớ nên không hiểu rõ. Hễ gặp bèn chẳng thấy nó là chuyện hiếm hoi, kỳ lạ gì, đó là một hiện tượng bình thường trong vũ trụ.

Chúng ta nhớ một câu nói của Đức Thế Tôn: Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng, chớ nên ghim trong lòng, hễ tiếp xúc thì có thể tham khảo, nhất định phải dùng định huệ của chính mình để ứng phó, chớ nên dùng tình thức. Dùng tình thức để ứng phó sẽ thường bị thua thiệt, bị lừa.

Phải dùng định huệ, tâm thanh tịnh sẽ chẳng bị chúng ảnh hưởng, dùng trí huệ để quan sát, chúng ta sẽ biết ứng phó tin tức nhận được như thế nào, đó là chính xác. Vì vậy, phải nhớ Phật Pháp là phá mê khai ngộ, chẳng mê tín.

Chúng ta thấy ở đây, Hoàng Lão Cư Sĩ nói với chúng ta, trước tiên là những điều Kinh nói. Như Sớ Sao viết như Sớ Sao nói, Sớ Sao là A Di Đà Kinh Sớ Sao do Liên Trì Đại Sư trước tác. Trong Sớ Sao, có mấy câu giảng về nhất thời theo cách như vậy.

Thuyết giả đắc Đà La Ni, Đà La Ni là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là tổng trì, bao gồm hết thảy các pháp, trì hết thảy các nghĩa. Trong Phật Học, danh từ này được dùng rất phổ biến, đấy cũng là đắc định khai ngộ. Người học Phật nhất định phải coi trọng tam học giới định huệ, không thể coi thường.

Nếu giới chẳng trọng yếu như vậy, cần gì Thích Ca Mâu Ni Phật phải coi trọng dường ấy, cớ gì phải buốt lòng rát miệng khuyên dạy ngần ấy?

Nó đúng là rất trọng yếu, là cội rễ.

Ngày nay, chúng ta học Phật chẳng thể thụ dụng là do nguyên nhân gì?

Chúng ta bỏ sót căn bản. Các đồng học tại gia học Phật sơ sót Thập Thiện Nghiệp Đạo. Thập Thiện Nghiệp Đạo là đại pháp căn bản để tu học Phật Pháp.

Quý vị thấy: Trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, Đức Phật đã giảng rất rõ ràng, nói từ pháp Nhân Thiên.

Pháp Nhân Thiên là gì?

Trong lục đạo, quý vị đạt được phương pháp của nhân đạo và Thiên Đạo, đó là gì vậy?

Thập Thiện Nghiệp Đạo. Lên cao hơn là nói tới Thanh Văn bồ đề, Duyên Giác bồ đề, cho đến vô thượng bồ đề. Nói cách khác, từ trong lục đạo, quý vị đạt được nhân đạo, Thiên Đạo, mãi cho đến khi chứng đắc Phật Quả rốt ráo viên mãn, thảy đều dựa vào Thập Thiện Nghiệp Đạo.

Há chẳng phải là trọng yếu ư?

Giống như nay chúng ta xây một cao ốc, xây cao ốc cao đến mấy chục tầng, hay một trăm tầng, Thập Thiện Nghiệp Đạo là gì?

Là nền móng, là nền tảng.

Quý vị thiếu cơ sở, dù xây hai ba tầng còn chẳng thành, làm sao có thể xây cao ốc một trăm tầng?

Càng lên cao, quý vị mới hiểu căn cơ càng bền vững. Hiện thời, chúng ta thấy chẳng ai làm được Thập Thiện.

Vì vậy, tôi thường nghĩ vì sao người thuở trước làm được, mà nay chúng ta chẳng làm được?

Tôi nghĩ thật lâu rồi mới vỡ lẽ: Người thuở trước có thể làm được là do giáo dục gia đình tốt đẹp.

Giáo dục gia đình: Trẻ nhỏ vừa sanh ra đã được cha mẹ dạy dỗ, cho nên nó thật sự đặt vững căn cơ. Sau này, khi đọc Kinh, qua Kinh Điển chúng tôi thấy được điều này. Từ giữa đời Đường trở đi, Phật Giáo Trung Quốc chẳng dùng tiểu thừa nữa, tiểu thừa cũng lấy Thập Thiện Nghiệp Đạo làm cơ sở.

Trung Quốc không dùng tiểu thừa, mà chọn Nho và Đạo làm cơ sở cho đại thừa, trải qua hơn một ngàn bảy trăm năm, đã thí nghiệm thành công.

Quý vị thấy từ giữa đời Đường cho đến đầu thời Dân Quốc, trong mỗi Triều Đại, người tu hành thật sự có khai ngộ, chứng quả, đắc công phu định lực rất nhiều.

Tám vạn bốn ngàn pháp môn, pháp môn nào cũng đều có thể giúp quý vị đắc tam muội. Đắc tam muội là đắc thiền định, niệm Phật đến mức tâm thanh tịnh hiện tiền là Niệm Phật Tam Muội thành tựu.

***