PHẬT GIÁO HƯNG VƯỢNG PHẢI NHỜ VÀO CÁC ĐỆ TỬ NGHIÊM TÚC NỖ LỰC HỌC TẬP

PHẬT GIÁO HƯNG VƯỢNG

 PHẢI NHỜ  VÀO CÁC ĐỆ TỬ 

NGHIÊM TÚC NỖ LỰC HỌC TẬP

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Giống như trồng cây, thiếu rễ, quý vị trồng cách nào nó cũng chẳng sống được. Rễ quan trọng. Tại Trung Quốc, vào thời cổ, người học Phật có bốn cội rễ.

Vì thế, đời nào cũng đều có người chứng quả, khai ngộ, đắc định rất nhiều. Đắc định là đắc tâm thanh tịnh. Khai ngộ, chứng quả, tâm bình đẳng, tâm chánh giác đều hiện tiền, chánh giác là chứng quả. Đối với bốn cội rễ ấy, phải biết Phật Giáo Trung Quốc kể từ giữa đời Đường trở đi, không còn vun bồi cội rễ tiểu thừa.

Xưa kia, tiểu thừa có Thành Thật Tông và Câu Xá Tông. Từ giữa đời Đường trở đi, Tổ Sư Đại Đức đề xướng dùng Nho, dùng Đạo thay thế tiểu thừa. Vì thế, Nho, Thích, Đạo biến thành một nhà. Ngày nay chúng ta phải vun bồi căn cội, hãy hành theo giáo huấn của Tổ Tiên, vì hơn một ngàn bảy trăm năm qua, người thành tựu rất nhiều.

Chúng ta dùng Đệ Tử Quy của Nho Gia, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên của Đạo Gia, dùng Thập Thiện Nghiệp Đạo của Phật Pháp, đấy là ba cội rễ, người xuất gia còn có một thứ nữa là Sa Di Luật Nghi, do bốn căn cội, quý vị mới thành tựu thù thắng. Hiện thời, chúng ta không thể thực hiện câu du tâm không lý trong Gia Tường Sớ, nhưng pháp thân Bồ Tát thật sự có thể làm được câu ấy.

Hiện thời, chúng ta có thể du tâm Di Đà đã tuyệt lắm rồi, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, trừ A Di Đà Phật ra, thứ gì cũng đều không có. Cuộc sống, công việc hằng ngày, đãi người, tiếp vật hoàn toàn tuân thủ theo giáo huấn của ba cội rễ, hoặc bốn cội rễ, sẽ là Thánh Nhân trong thời hiện đại, đương nhiên Phật Pháp sẽ hưng vượng.

Phật Giáo hưng vượng phải nhờ vào các đệ tử nghiêm túc nỗ lực học tập, khiến cho đại chúng bình phàm trong xã hội chẳng đến nỗi hiểu lầm Phật Giáo, tự nhiên tôn trọng, ủng hộ quý vị, hướng theo quý vị học tập.

Hội Sớ viết: Sơ Quả dĩ thượng, tất danh Thánh giả. Dĩ cứu đại A La Hán, cố danh Đại Thánh.

Sách Hội Sớ giảng: Từ Sơ Quả trở lên đều gọi là Thánh. Ðã cùng tột quả Ðại A La Hán thì gọi là Ðại Thánh. Sách Hội Sớ giảng theo lối thông thường.

Sơ Quả Tu Đà Hoàn là Thánh Nhân, là vị Thánh nhỏ nhoi, vì sao?

Ngài có thể đoạn hết tám mươi tám phẩm kiến hoặc trong tam giới, chứng quả Tu Đà Hoàn của tiểu thừa. Nếu là đại thừa, nói theo Kinh Hoa Nghiêm, người chứng đắc địa vị Sơ Tín trong các địa vị thuộc Thập Tín Bồ Tát là nhập môn. Vì vậy, đối với chuyện nhập môn, tiêu chuẩn như tôi đã nói vẫn chưa được.

Tôi thưa cùng quý vị, tiêu chuẩn như tôi đã nói chỉ đưa đến cửa ngõ, hết sức gần gũi, cũng có nghĩa là quý vị thật sự buông tự tư tự lợi xuống, buông tiếng tăm, lợi dưỡng xuống, buông ngũ dục, lục trần xuống, buông tham, sân, si, mạn xuống, quý vị sẽ ở trước cửa ngõ.

Muốn vào cửa, nhất định phải đoạn sạch thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến, tà kiến. Đoạn hết năm thứ kiến giải sai lầm ấy, quý vị  sẽ chứng đắc tiểu thừa Sơ Quả. Nếu học đại thừa, sẽ là Sơ Tín Vị Bồ Tát, là Thánh Nhân, thật sự là Thánh Nhân.

Tuy chưa thoát khỏi lục đạo luân hồi, còn ở trong lục đạo, nhưng chắc chắn chẳng đọa tam ác đạo. Lại còn bảy lần sanh trong Cõi Trời hay trong nhân gian, luôn tu học, tối đa là bảy lần, quý vị chắc chắn chứng quả A La Hán. Trong đại thừa, tái sanh bảy lần, chứng đắc Đệ Thất Tín trong Thập Tín vị, bèn vượt thoát lục đạo.

Thất Tín, Bát Tín, Cửu Tín, Thập Tín thuộc vào tứ Thánh pháp giới, Thất Tín là Thanh Văn pháp giới, Bát Tín là Duyên Giác, Cửu Tín là Bồ Tát, cao nhất là Phật, lại vượt thoát mười pháp giới, vượt thoát mười pháp giới là Đại Thánh. Những địa vị ấy địa vị thấp hơn Sơ Trụ đều chẳng thể coi là Đại Thánh, chỉ được coi là Thánh Nhân.

Vượt thoát mười pháp giới, từ Sơ Trụ của Viên giáo trở lên, là pháp thân Đại Sĩ, trụ tại nơi đâu?

Trụ trong Cõi Thật Báo Trang Nghiêm của Chư Phật Như Lai. Trên thực tế, Cõi Thật Báo Trang Nghiêm của Chư Phật Như Lai là Cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chính mình.

Tới khi đó, quý vị  mới thật sự hiểu rõ: Tự tánh Như Lai, duy tâm Tịnh Độ. Do vậy, Tây Phương Cực Lạc Thế Giới là tự tâm hiện, tự tánh biến, chẳng phải là bên ngoài. Đó là quê nhà của quý vị, là nơi chốn quý vị vốn sẵn có.

Vì thế, trở về Cõi Thật Báo của A Di Đà Phật là quay về nhà, đâu có gì khó khăn. Thật sự học Phật, quý vị chẳng thể không nhận biết Thích Ca Mâu Ni Phật, chẳng thể không liễu giải Thích Ca Mâu Ni Phật. Quý vị học tập giống như Ngài, có lẽ nào chẳng thành Phật trong một đời. 

Đức Phật dạy chúng ta buông xuống, Ngài thật sự buông xuống, thứ gì cũng đều không có. Ngài sống cuộc đời đơn giản nhất, ba y một bát, đó là tài sản của Ngài. Toàn bộ tài sản là ba y một bát, đều mang theo thân. Thật vậy. Nếu nói theo phía tục nhân chúng ta, cái gì trên thân quý vị sẽ là của chính quý vị, chẳng ở trên thân sẽ chẳng phải là của chính mình.

Tối thiểu là có quan niệm ấy. Trên thân quý vị có tiền, trong bóp có bao nhiêu tiền, đó là của chính mình, còn tiền cất trong ngân hàng chẳng phải là của quý vị. Căn nhà quý vị đang ở trong ấy, sống trong ấy, nó là của quý vị.

Sau khi quý vị bước ra khỏi cửa, căn nhà ấy chẳng phải là của quý vị. Trong cuộc sống hằng ngày, quý vị có thể quán như thế, sẽ gần gũi Phật Pháp, tham, sân, si dần dần bị hóa giải, đó là chân tướng sự thật, chớ nên không hiểu rõ.

Quý vị thấy bà Lưu Tố Vân giảng về chữ trượng phu chồng rất khéo, trượng phu là gì?

Trong vòng một trượng thì là chồng mình, ngoài một trượng bèn chẳng phải. Tôi nói với mọi người chuyện sít sao nhất, cái gì quý vị có trên thân là của quý vị, cái gì chẳng ở trên thân thì chẳng phải là của quý vị, tâm khai ý giải, mảy may vướng mắc cũng không có. Thích Ca Mâu Ni Phật suốt đời nêu gương cho chúng ta. Vì thế, chúng ta phải học theo Ngài, học giống như Ngài.

Ngài suốt đời theo đuổi sự nghiệp gì?

Giáo học, kể từ ngày khai ngộ lúc ba mươi tuổi bèn bắt đầu giáo học, tới bảy mươi chín tuổi Viên tịch, dạy suốt bốn mươi chín năm chẳng gián đoạn, chẳng thiếu một buổi học nào, là một vị thầy hết sức tận tụy. Ngài mang thân phận là một vị thầy chuyên nghiệp, thưa quý vị, chẳng hề dính dáng gì đến Tôn Giáo.

Ngày nay hễ nhắc tới Phật Giáo, hết thảy mọi người đều nghĩ Phật Giáo là Tôn Giáo, chúng ta chẳng xứng đáng, đã đày Thích Ca Mâu Ni Phật vào trong Tôn Giáo.

Vì thế, tôi nói tứ chúng đệ tử chúng ta đều phạm tội lỗi, thầy cả đời dạy học, sao lại bị tống vào Tôn Giáo, lẽ nào lại như vậy?

Phật Pháp truyền tới Trung Quốc, chúng ta đọc lịch sử, kể từ lúc truyền vào cho tới thời đầu Nhà Thanh, trải các triều Khang Hy, Ung Chánh, Càn Long cho tới Gia Khánh, Phật Pháp vẫn là dạy học. Trong lịch sử Trung Quốc, Phật Giáo biến thành Tôn Giáo chưa đầy ba trăm năm, đấy là chuyện trong thời gần đây.

Trước đó, Tự Viện, Am Đường là trường học, bao nhiêu người thành danh trong lịch sử học hành ở chỗ nào?

Học từ trong Chùa Chiền. Chùa Chiền là trường học, người đọc sách có thể sống trong Chùa. Chùa chiền rất từ bi, có thể tiếp đãi người ấy. Trong Chùa Chiền, người xuất gia đều là thầy tốt, có năng lực dạy bảo quý vị.

Trước đây, người đi thi cử nhân, hay thi tiến sĩ, đến đâu để học?

Đều là đến Chùa Chiền, Chùa Chiền có Kinh Sách. Không chỉ là Kinh Phật, tàng Kinh lâu lầu chứa Kinh là thư viện, trong ấy thứ gì cũng có. Không thiếu thầy giáo, học trò bất luận có vấn đề gì, tìm người xuất gia, người xuất gia đều có thể dạy quý vị. Vì thế, người có tiền sống trong Chùa, bỏ ra một ít tiền ăn ở. Người không có tiền, Chùa Chiền vẫn chiếu cố quý vị.

Quý vị thấy Phạm Trọng Yêm cả đời đọc sách trong Chùa, nhà rất nghèo túng, vì thế, sống trong Chùa tự lo liệu ăn uống. Mỗi ngày, ông ta nấu một nồi cháo, nấu đặc một chút, chia thành bốn phần, để sống hết ngày. Học hành tốt đẹp, quý vị thấy về sau ông ta thi đỗ, công danh thành tựu, xuất tướng nhập tướng, cảm niệm nhà Chùa đã thành tựu cho ông ta.

Nếu không, ông ta đến đâu để học hành?

Vì thế, thời cổ, Chùa Chiền có cống hiến vô cùng to lớn đối với xã hội, thay quốc gia đào tạo bao nhiêu nhân tài. Chúng ta chớ nên không thông hiểu những chuyện lịch sử này.

***