PHÁP THÂN ĐẠI SĨ ĐẾN GIÚP ĐỠ
THÍCH CA MÂU NI PHẬT
GIÁO HÓA CHÚNG SANH,
THỊ HIỆN ĐỦ MỌI CÁCH
Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
Bậc thượng thượng căn là người kiến tánh, vì hết thảy các pháp là tâm tưởng, thức biến, Kinh Hoa Nghiêm nói là duy tâm sở hiện. Tâm ấy là chân tâm, là tự tánh, là tự tánh sanh, tự tánh hiện, duy thức biến. Quý vị hoàn toàn thông đạt, hiểu rõ tánh thức thì sáu căn tiếp xúc cảnh giới sẽ tự nhiên thông đạt, không cần học.
Ngài A Nan kết tập Kinh Tạng, có thật sự cần phải nghe Thích Ca Mâu Ni Phật phức giảng hay chăng?
Chẳng phải.
Ngài phức giảng như thế nào?
Ngài đã kiến tánh, chỉ cần quý vị nói Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng một bộ Kinh nào đó, Ngài bèn biết toàn bộ, chẳng nghe cũng biết, chẳng học cũng biết.
Tánh là cùng một tánh, tướng là thiên sai vạn biệt, nhưng tánh là một. Vì thế, học Phật giống như tựa đề bộ Kinh này rất hay, hoàn toàn viết ra nhân quả của sự minh tâm kiến tánh.
Nhân là gì?
Thanh tịnh, bình đẳng, giác.
Bất luận tu học pháp môn nào, tám vạn bốn ngàn pháp môn, Hiển Giáo, Mật Giáo, Tông Môn, Giáo Hạ, tu gì?
Tu thanh tịnh, tu bình đẳng, tu giác. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, pháp là phương pháp, tu phương pháp thanh tịnh, bình đẳng, giác, môn là môn đạo đường lối, môn kính đường nẻo, phương pháp tu hành, đường lối vô lượng vô biên.
Trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện có nói: Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, đúng là chẳng giả tí nào.
Thưa chư vị, trong Kinh Bát Nhã, Đức Phật đã nói: Pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp, bất luận một môn nào.
Vì sao?
Đều do tự tánh hiện, tâm sanh, tâm hiện, đều do thức biến. Vì vậy, chúng bình đẳng.
Nói cách khác, bất luận một môn nào, quý vị chỉ tìm được năng sanh, năng hiện, năng biến của nó, chẳng phải là quý vị thành Phật ư?
Từ hết thảy các pháp tướng, chúng ta thấy chúng là sở sanh, sở hiện, sở biến, quý vị tìm được cội nguồn của chúng, chúng do đâu mà có, tìm được cái năng sanh, năng hiện, năng biến rồi, năng biến là A lại da, năng sanh, năng hiện là tự tánh, chẳng phải là đã kiến tánh ư?
Đó là nội học. Tìm bên ngoài sẽ vĩnh viễn chẳng tìm được, Đức Phật gọi kẻ tìm bên ngoài là ngoại đạo, phương hướng sai lầm. Hãy hướng vào trong mà tìm, tìm bên ngoài sẽ vĩnh viễn chẳng tìm được. Vì thế, người hễ quay đầu, căn tánh bèn nhạy bén, người Trung Quốc nói đó là trí huệ thượng thượng, là chủng tánh Ba la mật đa.
Thứ hai, đắc vô học quả vị. Quả vô học là A La Hán, ở đây, Kinh nói là Đại A La Hán, quả vô học này chẳng phải là tiểu thừa A La Hán, mà là Đại A La Hán.
Đại A La Hán là ai?
Thập Địa Bồ Tát. Trong đại thừa, Thập Địa Bồ Tát được gọi là vô học, trong tiểu Thừa A La Hán là vô học. Thập Địa Bồ Tát thù thắng lắm.
Đắc tiểu quả dĩ, xu đại bồ đề đã đắc tiểu quả, tiến lên đại Bồ Đề cũng đúng. Tiểu quả là tiểu thừa A La Hán hoặc Bích Chi Phật, chứng đắc quả vị này, hồi tiểu hướng đại, nên biến thành đại Tỳ Kheo. Phật Địa Luận giảng ba ý nghĩa ấy. Dĩ thượng tam nghĩa, cố danh viết đại do ba nghĩa trên đây nên gọi là đại.
Hựu Gia Tường sư vị đại hữu tam nghĩa.
Ngài Gia Tường lại bảo: Ðại có ba nghĩa.
Bản chú giải Kinh này của Ngài Gia Tường là Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ, khi giải thích chữ đại, Ngài đã dùng ba ý nghĩa sau đây: Nhất sanh đại giải, nhị phá đại ác, tam chứng đại quả một là sanh sự hiểu biết lớn lao, hai là phá ác lớn, ba là chứng đại quả. Sanh đại giải là trí huệ.
Phá đại ác là buông đại ác xuống, đại ác là gì?
Tham, sân, si, mạn, triệt để buông xuống. Chứng đại quả, nói theo cách thông thường, đại quả là pháp thân Đại Sĩ, vượt thoát mười pháp giới. Nói cách khác, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều buông xuống, đoạn hết.
Do thượng khả kiến Đại Tỳ Kheo giả nãi đức cao vọng trọng, hồi tiểu hướng Đại chi Tỳ Kheo, nãi Tỳ Kheo chúng trung chi tôn túc. Do những điều trên, ta thấy Đại Tỳ Kheo là bậc Tỳ Kheo đức cao trọng vọng, từ tiểu thừa hướng đến Ðại Thừa, là bậc tôn túc trong các Tỳ Kheo, người Trung Quốc gọi các vị ấy là Trưởng Lão.
Kinh nói rõ, một vạn hai ngàn người tham gia Pháp Hội này. Dữ đại Tỳ Kheo chúng vạn nhị Thiên Nhân câu và các đại Tỳ Kheo một vạn hai người cùng nhóm họp, nay những người đến tham gia Pháp Hội Vô Lượng Thọ Kinh chẳng phải là người thường, Kinh Phật gọi họ là bậc đại quyền thị hiện.
Đại là Chư Phật Như Lai, pháp thân Đại Sĩ đến giúp đỡ Thích Ca Mâu Ni Phật Giáo hóa chúng sanh, thị hiện đủ mọi cách.
***