NIẾT BÀN THƯỜNG QUẢ, CHƯ PHẬT CÙNG TRÚ

NIẾT BÀN THƯỜNG QUẢ,

CHƯ PHẬT CÙNG TRÚ

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Ngày nay Đức Thế Tôn muốn tuyên dương hoằng nguyện nhất thừa của Phật A Di Đà, đây là trong Kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật thấy cơ duyên này đã thuần thục, liền giới thiệu Thế Giới Cực Lạc cho mọi người. Pháp đặc biệt nhất, là trú nơi sở trú của Phật Di Đà, Phật Phật tương niệm.

Hai câu này rất hay, chúng ta cần phải học, học điều gì?

Trú vào nơi sở trú của Phật Di Đà. Tịnh Tông nói Thường Tịch Quang, trong triết học gọi là bản thể của vũ trụ vạn hữu, Phật Pháp gọi là Thường Tịch Quang, phải trú vào trong này. Phật Phật tương niệm, niệm Phật nghĩa là làm Phật.

Trong Quán Kinh nói: Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật, niệm Phật tức là thật sự thành Phật, niệm Bồ Tát tức là làm Bồ Tát. Bây giờ chúng ta hoàn toàn minh bạch, trong tất cả Chư Phật, Phật A Di Đà trang nghiêm thù thắng nhất.

Trong Kinh này Đức Thế Tôn khen ngợi Ngài, thay cho tất cả mười phương Chư Phật khen ngợi Phật A Di Đà, nói Phật Di Đà là Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương. Đây là sự khen ngợi đến cùng tột, không có gì viên mãn hơn, không có gì cao hơn.

Chúng ta thấu rõ rồi, không niệm Di Đà thì niệm gì?

Niệm gì cũng không bằng niệm Di Đà, Tụng Kinh gì cũng không bằng tụng Kinh Vô Lượng Thọ này, đúng là bậc nhất trong các bậc nhất. Nếu lý giải chưa rõ ràng thấu triệt về nó, trong tâm vẫn còn vọng tưởng.

Điều này không thể trách người khác, vì sao vậy?

Trước khi chưa thật sự hiểu rõ về Phật Pháp, đây là hiện tượng rất bình thường, hiện tượng thường xảy ra. Khi mới học Phật tôi quen thầy Lý, lúc đó tôi không biết về Phật A Di Đà, tôi chỉ thích quảng học đa văn, nên đối với Kinh Luận đại thừa vô cùng thích thú. Học Phật ba mươi năm mới hiểu, tuy hiểu nhưng không thấu triệt. Cũng siêng năng tu Tịnh Độ, nhưng chưa thấu triệt.

Học được bao lâu mới được coi là thật sự rõ ràng minh bạch?

Năm mươi năm, tôi học Phật đến nay là năm mươi chín năm, thật sự thấu hiểu rốt ráo là tám chín năm gần đây. Thấu triệt điều này không có gì khác, chính là ngày ngày huân tập Kinh Điển đại thừa, không có lúc nào rời cuốn Kinh, không có ngày nào không chia sẻ với mọi người.

Ngày nay chúng tôi ở trên bục giảng, là chia sẻ với mọi người, báo cáo một chút cảm tưởng, một chút tâm đắc học tập của tôi với quý vị. Tôi học rất hoan hỷ, càng học càng hoan hỷ, càng học càng vui.

Quả thật như trong Kinh nói: Pháp hỷ sung mãn, thường sanh tâm hoan hỷ.

Thầy giới thiệu cho tôi: Học Phật là sự hưởng thụ cao nhất của đời người, bây giờ tôi đã đạt được, vô cùng cảm ân thầy. Nếu thầy giáo không chỉ ra con đường này, đời này tôi sẽ sống rất đau khổ ở thế gian, làm gì có an vui hạnh phúc.

Chúng ta cũng thấy rất nhiều, những năm lại đây rất nhiều người học Phật, họ không đạt được hạnh phúc an vui thật sự, vì sao vậy?

Vì họ không học thật, bởi vậy học Phật là phải y giáo phụng hành mới được. Phương hướng phải chính xác, mục tiêu phải kiên định, trường thời huân tu, không được lơ là dù chỉ một ngày.

Tôi thường nói với quý vị, tôi thuộc hàng trung hạ căn tánh, không phải thượng căn. Nếu là thượng căn, từ lâu đã ngang hàng với các đời Tổ Sư, chúng ta so với các bậc Tổ Sư còn thua quá xa, cho thấy được sự thù thắng của Phật Pháp.

Nên nói, trú trong pháp đặc biệt, niệm Phật A Di Đà nghĩa là trú trong pháp đặc biệt, nhưng ngày nay được mấy người thật sự trú trong pháp đặc biệt. Chúng ta quan sát, thấy không nhiều. Quý vị xem lời nói cử chỉ bình thường của họ, trong tâm họ quá nhiều tạp niệm, không trú trong pháp đặc biệt.

Nếu tâm họ chỉ có Phật A Di Đà, ngoài ra không còn gì cả, tôi nói với quý vị, là cảnh giới gì?

Bất luận người khác nói gì, họ nghe đều là Phật hiệu. Những gì mắt họ nhìn thấy, trong lòng họ nghĩ, tất cả chúng sanh đều là Phật A Di Đà, người này trú trong pháp đặc biệt. Những đạo lý, những chân tướng sự thật này tôi đều biết, đại khái tôi phải thêm vài năm có thể đạt đến cảnh giới này. Hiện nay tôi đối với vấn đề này hoàn toàn không có nghi ngờ.

Chúng ta xem tiếp phần Kinh Văn: Trú Chư Phật sở trú Đạo Sư chi hành, tối thắng chi đạo, bên dưới là giải thích câu Kinh Văn này.

Phật sở trú, chúng ta xem Phật ở đâu?

Tịnh Ảnh Sớ nói: Nơi chỗ Phật trú là Niết Bàn thường quả, Chư Phật cùng trú. Ngày nay thế hùng, thế hùng là Đức Thế Tôn trú ở nới này, trú đại niết bàn, có thể khởi hóa dụng. Hóa là tác dụng giáo hóa chúng sanh, ông nói không sai, đây cũng là điều Bồ Tát cần phải học tập.

Niết bàn thường quả, Chư Phật cùng trú, câu này nghĩa là gì?

Niết bàn là bất sanh bất diệt. Ở trước chúng ta đã học, thông thường đều dùng hai chữ viên tịch để giải thích. Viên là viên mãn, tịch là thanh tịnh tịch diệt. Chúng ta nghe xong, đặc biệt là hàng sơ học, không cách nào lãnh hội được ý này.

Dùng cách nói cạn cợt nhất của chúng ta để nói, mọi người dễ hiểu, thanh tịnh tịch diệt viên mãn là gì?

Lục căn chúng ta đối với cảnh giới lục trần bên ngoài: Mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân và ý tiếp xúc, tiếp xúc cảnh giới bên ngoài. Thật sự đạt được không khởi tâm không động niệm, vừa rõ ràng vừa thấu triệt, không khởi tâm không động niệm, đây là cảnh giới Niết Bàn thường quả, không phải rời xa. Rời xa mà vẫn khởi tâm động niệm, vẫn còn vọng tưởng, vẫn đang tạo nghiệp. 

Quý Vị nghĩ đến việc tốt, việc lợi ích chúng sanh, là tạo nghiệp thiện. Việc tổn hại chúng sanh là đang tạo nghiệp, vẫn là đang tạo nghiệp.

Làm sao để học được giống như pháp thân Đại Sĩ, không khởi tâm không động niệm?

Khó, rất khó. Bất đắc dĩ mới cầu cái thứ hai, không làm được Phật sở trú thì học Bồ Tát. Bồ Tát có khởi tâm động niệm, không có phân biệt chấp trước, dễ hơn Phật nhiều. Nếu không được, không được nữa thì chọn cái sau đó, học theo A La Hán, không chấp trước. A La Hán có khởi tâm động niệm, có phân biệt, nhưng họ không chấp trước. Nói cho chư vị biết, không chấp trước là không có phiền não.

Trên đề Kinh dạy chúng ta tu hành theo năm chữ: Thanh tịnh, bình đẳng, giác.

A La Hán đạt được thanh tịnh, vì sao vậy?

Vì họ không có phiền não, đã phá chấp trước, đối với tất cả pháp không còn chấp trước.

A La Hán không chấp trước, Bồ Tát không phân biệt, Chư Phật Như Lai không khởi tâm không động niệm, phải như thế nào mới có thể luyện thành?

Tôi tin rất nhiều người muốn biết, dùng phương pháp gì có thể luyện thành công?

Nói cho chư vị biết, trú trong pháp đặc biệt sẽ luyện thành công.

Trong tâm là gì?

Là A Di Đà Phật. Ngoài câu A Di Đà Phật ra đều không có gì cả, bất luận là học Thanh Văn, học Duyên Giác, học Bồ Tát hay học Phật, quý vị đều thành tựu, mà còn thành tựu rất nhanh. Phương pháp này rất bí mật, ngày nay tôi mở rèm bí mật này. Quý vị cần phải biết, đây là mật pháp của đại thừa, sẽ rất có hiệu quả.

***