NIẾT BÀN KHÔNG PHẢI LÀ CHẾT,
NIẾT BÀN CHỈ NGƯỜI ĐÓ ĐÃ
MINH TÂM KIẾN TÁNH,
KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT
Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
Trước đây thầy Lý nói với chúng tôi: Nếu chết rồi gọi là Niết Bàn thì cuối cùng ai cũng nhập Niết Bàn hết.
Có gì quý báu đâu?
Niết Bàn chứng được khi còn sống, viên tịch chứng được khi còn sống. Viên là viên mãn, tịch là thanh tịnh tịch diệt. Cũng có nghĩa là thật sự buông bỏ hết khởi tâm động niệm phân biệt chấp trước, đấy gọi là tịch diệt.
Diệt những gì?
Diệt vọng tưởng phân biệt chấp trước. Diệt sạch hết tất cả những thứ đó rồi thì sẽ thành Phật. Nếu trong ba chỉ diệt được một, chẳng còn chấp trước, chấp trước là kiến tư phiền não. Khi chẳng còn chấp trước tất cả pháp thì chứng đắc A La Hán. Tất cả pháp đều không phân biệt thì là Bồ Tát.
Không khởi tâm không động niệm thì là Phật. Đều gọi là nhập diệt, là viên tịch, là Bát Niết Bàn. Chúng ta phải làm rõ ý nghĩa. Niết Bàn không phải là chết, Niết Bàn chỉ người đó đã minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. minh tâm kiến tánh mới viên mãn.
Chẳng còn bất kỳ phiền não nào, chẳng còn sanh tử nữa thì gọi là tịch. Trí huệ đức năng viên mãn, phiền não sanh tử đều chẳng còn, chính là ý nghĩa của viên tịch, chính là ý này.
Ở đây Đức Phật nói Ngài đạt được Bát Niết Bàn, có nghĩa Vô Dư Niết Bàn. Chẳng cần thân người, rời thế giới này.
Vì sao vậy?
Vì Phật đến thế gian này không phải do nghiệp báo của Ngài, chúng ta thì khác, chúng ta đến do nghiệp báo không muốn cũng chẳng được. Quý vị đã tạo nghiệp này thì phải thọ báo này, thọ báo xong rồi không đi cũng phải đi.
Cho nên thân này gọi là nghiệp báo thân. Thọ mạng có hạn, nhưng dài ngắn ta có thể tác thao túng. Phật Pháp nói có túc mạng nhưng không phải định luận. Nếu như ta dứt ác tu thiện, tích lũy công đức thì thọ mạng của ta sẽ kéo dài.
Chúng ta xem trong Liễu Phàm Tứ Huấn, ông Liễu Phàm đã gặp một người thầy bói là Khổng Tiên Sinh. Người này bói rất giỏi, tính toán số mệnh của Liễu Phàm không sai chút nào.
Năm mười năm tuổi, ông lão thầy bói này đã đoán số cho Liễu Phàm, suốt hai mươi năm chẳng có việc nào là không trúng. Sau hai mươi năm thì Liễu Phàm Tiên Sinh đã ba mươi năm tuổi, năm đó ông gặp Vân Cốc Thiền Sư, ngồi suốt ba ngày ba đêm Tham Thiền trong Thiền phòng với Vân Cốc Thiền Sư.
Liễu Phàm Tiên Sinh chẳng khởi một vọng niệm nào, Vân Cốc Thiền Sư rất thán phục liền hỏi: Anh tu pháp môn nào, công phu khá lắm. Ba ngày ba đêm mà chẳng hề có một vọng tưởng, người thường không làm nổi.
Liễu Phàm Tiên Sinh thú thật: Tôi chẳng có công phu gì, chỉ do Khổng Tiên Sinh đoán mệnh cho tôi sẵn rồi, hai mươi năm qua chẳng hề sai sót nên tôi chẳng cần nghĩ ngợi gì, có nghĩ cũng vô ích. Số phận đã định sẵn, mỗi người đều có vận mệnh nhất định. Nhưng hiện giờ thầy bói rất khó hành nghề, gặp phải cao nhân nhiều khi đoán không ra.
Vì sao thế?
Vì ngày nào ta cũng có cộng trừ nhân chia. Khởi một ý nghĩ xấu trong đầu thì ngay lập tức bị giảm phước, có một suy nghĩ thiện thì lại được tăng thêm. Ngày nào cũng có tăng có giảm.
Việc thiện nhỏ thì tăng ít, cộng thêm một hai điểm, việc ác nhỏ thì trừ một hai điểm. Việc thiện lớn thì nhân, việc ác lớn thì chia, cho nên ngày nào cũng cộng trừ nhân chia.
***