NHẤT ĐỊNH PHẢI LÀM ĐẾN KHẾ LÝ
KHẾ CƠ, PHỔ LỢI CHÚNG SANH
Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
Phải buông ý niệm xuống. Hiện nay họ dùng suy nghĩ, dùng nghiên cứu. Nghiên cứu là dùng ý thức thứ sáu. Phật nói, năng lượng của thức thứ sáu vô cùng to lớn. Bên ngoài nó có thể duyên đến pháp giới hư không. Bên trong nó có thể duyên đến A lại da.
Nhưng duyên không đến tự tánh. Nhà Phật nói chân như bản tánh, nó không duyên đến được. Cho nên nhân chi sơ tánh bổn thiện nó không duyên đến được.
Vậy thì phải cần điều gì?
Vậy chỉ có chứng mới biết được. Dùng chân tâm. Tất cả vọng tưởng phân biệt chấp trước đều buông xuống hết, quý vị liền nhìn thấy, đây gọi là chứng. Người nào buông xuống, người đó thấy được, còn rõ ràng hơn báo cáo của khoa học, khẳng định hơn, không còn có chút hoài nghi nào. Trong thiền định, thời gian, không gian đều không thấy nữa.
Quý vị mới nhìn thấy chân tướng sự thật. Cho nên trong Kinh Phật nói với chúng ta chắc chắn tương ưng với tự tánh, cũng có thể tương ưng với chúng sanh hiện đại, xã hội hiện đại, đạo này hành mới thông được. Mới có thể hoằng dương giáo nghĩa, phổ lợi chúng sanh.
Nếu như không khế cơ, không tương ưng với những điều chúng sanh trong xã hội hiện đại cần đến, thì những điều tốt của quý vị họ cũng không chấp nhận, không chịu học. Thì sự dạy học này liền không thể phát huy tác dụng. Nhất định phải làm đến khế lý khế cơ, phổ lợi chúng sanh.
Bao la biểu lý, điều này nói đơn giản Tôn Giáo thế giới là một nhà. Biểu là bên ngoài, chính là xã hội đại chúng hiện tiền. Lý là tự tánh, là chân tâm, đó là lý. Năng sanh năng hiện.
Huệ Năng Đại Sư nói là năng sanh vạn pháp, đó là lý, phải bao la trong ngoài. Giống như trong Kinh Hoa Nghiêm nói, thể tướng dụng đều bao la. Thể là trong, tướng dụng là ngoài. Bao, đồng với bao, cùng nghĩa với chữ bao gồm, là ý nghĩa này.
La trong Gia Tường Sớ nói: La là nhiếp, chính là hàm nhiếp, những chữ này đều dễ hiểu. Nên biết bao la nghĩa là bao dung hàm nhiếp. Biểu chỉ sự tướng, lý chỉ lý thể, lý thể là tự tánh, là pháp tánh.
Nên biết bao la là trong ngoài vậy, tức lý sự đều tròn đầy, chân tục đều chiếu, đầy đủ các diệu, phổ nhiếp vạn loại. Ý nghĩa này hay. Như vậy quý vị mới có thể học được những thứ chân thật.
Quý vị không có yêu ghét thiên lệch, không có tâm thiên vị, không có tà niệm. Quý vị mới có thể bao dung. Nếu như quý vị có thiên chấp, quý vị không thể bao dung. Quý vị chấp trước một quan niệm chủ quan, không thể dung nạp người khác, vậy là sai.
Phật Pháp không có bản thân, tức là vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng. Thậm chí vô ngã kiến, vô nhân kiến, vô chúng sanh kiến, vô thọ giả kiến. Cho nên nó có thể bao la. Không có gì là không bao hàm, giống như hư không vậy. Cho nên lý viên rồi, sự cũng viên. Lý là năng sanh năng hiện, sự là sở sanh sở hiện.
Lý sự đều viên, chân tục đều chiếu. Đều chiếu này là nói trí tuệ khởi tác dụng. Đối với chân chính là lý, hoàn toàn hiểu được. Đối với tục, tục chính là sự, chính là sự tướng. Cũng là thông đạt hiểu rõ, không có chướng ngại. Thế là đầy đủ các diệu, diệu này là thiện. Trong Hoàn Nguyên Quán Hiền Thủ Quốc Sư nói với chúng ta về tứ đức. Điều đầu tiên là tùy duyên diệu dụng, đó chính là bốn câu nói này.
***