NHÂN TỐT, QUẢ BÁO NHẤT ĐỊNH TỐT, THẬT SỰ LÀ NHÂN QUẢ TRÒN ĐẦY

NHÂN TỐT, QUẢ BÁO NHẤT ĐỊNH TỐT,

THẬT SỰ LÀ NHÂN QUẢ TRÒN ĐẦY

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Người thế gian chúng ta thường nói là mau mồm mau miệng, rất biết nói chuyện, lời ngon tiếng ngọt, nhưng ý đồ bất thiện, lừa gạt người khác, dẫn người khác đi theo hướng bất thiện.

Những lời này nghe thì hay, ai cũng thích nghe, nhưng tội lỗi lớn vô cùng. Ỷ ngữ có loại hữu ý, có loại vô ý. Loại hữu ý thì tội càng nặng hơn, xem mức độ họ tổn hại xã hội là bao lớn, xem thời gian ảnh hưởng tổn hại của họ là bao lâu, từ đây mà kết tội.

Nếu như mức độ ảnh hưởng rất rộng, thời gian rất dài, thì cái tội lỗi này thật khủng khiếp. Mức độ ảnh hưởng của họ không lớn, thời gian ảnh hưởng rất ngắn ngủi thì tội lỗi này nhỏ. Ví dụ thường hay thấy nhất là ca dao.

Vào thời xưa, trước khi Phật Giáo truyền đến Trung Quốc, ca dao là văn hóa nguyên thủy nhất của mỗi dân tộc. Dân tộc lạc hậu đi nữa họ cũng có ca khúc của họ, có điệu múa của họ.

Chúng ta hiện nay thường hay xem thấy trên truyền hình, biết bao nhiêu dân tộc khác nhau trên thế giới với những ca vũ của họ.

Trong sách cổ Trung Quốc ghi chép, khi tham quan du lịch nhìn thấy các dân tộc này, nhìn thấy những quốc gia này, thử nghe nhân dân họ hát là hát cái gì, từ nội dung của bài hát, nội dung của điệu múa là biết sự thịnh suy của quốc gia này. Từ đó cho thấy, người thời xưa quan sát rất tỉ mỉ những nội dung này.

Chúng ta ngày nay xem lại, nếu như nội dung tương ưng với thập ác nghiệp, bất thiện thì làm gì có quả báo tốt được?

Quốc gia này, khu vực này chắc chắn sẽ loạn động, bất an. Nếu như những ca vũ này nội dung tương ưng với thập thiện thì xã hội này nhất định tốt, nhất định là ổn định, phồn vinh, hưng vượng.

Vào trong gia đình người ta, bạn thử xem những thành viên trong gia đình, ngôn từ mà họ nói ra, sở thích của họ, người trong nhà này thích nghe ca khúc gì, thích xem loại giải trí nào, bạn có thể nhìn thấy và biết được gia đình này là hưng hay suy.

Trong tiêu chuẩn của Phật Pháp, phàm là thuận với tánh đức thì chắc chắn là thiện, chắc chắn là tốt. Nhân tốt, quả báo nhất định tốt, thật sự là nhân quả tròn đầy. Nếu như nhân không tốt mà muốn mong cầu quả báo tốt, dứt khoát không có đạo lý này.

***