NHÂN MUỐN THÀNH QUẢ TRONG ĐÓ NHẤT ĐỊNH PHẢI CÓ DUYÊN

NHÂN MUỐN THÀNH QUẢ TRONG

ĐÓ NHẤT ĐỊNH PHẢI CÓ DUYÊN

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Họ chỉ nói đến khởi tâm động niệm, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình, ảnh hưởng đến tâm trạng không ổn định của mình, ảnh hưởng đến những người xung quanh, những người trong gia đình mình, ảnh hưởng đến hiện tượng vật chất ở bốn xung quanh, đều chịu ảnh hưởng.

Họ cũng nói rằng nếu quý vị ở bên ngoài, thì sẽ ảnh hưởng đến hoa cỏ cây cối, sơn hà đại địa. Các nhà khoa học chỉ nói đến đây, chứ họ chưa nói đến chỗ chúng ta còn ảnh hưởng đến tinh cầu khác, ảnh hưởng đến tinh hệ khác nữa, họ chưa nói đến.

Nhưng Phật Pháp đã nói rằng, trong biến pháp giới hư không giới, quý vị ở đây khởi một ý niệm thì tất cả đều biết hết, họ nhận được thông tin này. Cho nên thông tin này bất luận là vô tình hay cố ý, là thiện niệm hay ác niệm, chỉ cần khởi một niệm là biến pháp giới hư không giới, Chư Phật Bồ Tát đều nhận được hết.

Ý niệm của các Ngài khởi lên đều là chánh diện, đều là tốt, chúng ta cũng nhận được. Nếu các Ngài không khởi lên những ý niệm này, thì thế giới này đã bị nổ tung từ lâu rồi.

Chúng ta nhận được ân đức từ các Ngài, các Ngài lấy thiện, lấy chánh diện truyền đến cho ta, nếu chúng ta cũng đem chánh diện đến cho các Ngài thì ổn rồi, những thiên tai hiện nay sẽ được giảm nhẹ đi, sẽ được hóa giải.

Giới khoa học lượng tử đã khẳng định đạo lý này, họ nói sự thật đúng là như vậy. Cho nên sống trong thế giới thiên tai trùng trùng này, các Ngài đã cho ta niềm tin, cho ta tia hy vọng.

Chúng ta có năng lực điều chỉnh nếp sống xã hội, và môi trường tự nhiên trở nên tốt hơn, điều chỉnh trở lại bình thường. Duyên khởi tướng do. Đại Sư Thanh Lương rất từ bi, Ngài đã nói lên mười điều, trong tổng đề mục gọi mười điều này là duyên khởi thập nghĩa. Mười điều nghĩa là một điều này giảng rộng ra. Quý vị xem, trí huệ của Bồ Tát, Bồ Tát biết được vũ trụ như thế nào.

Trong Kinh Hoa Nghiêm Sớ Sao, Đại Sư Thanh Lương trích trong Sớ Sao: Duyên khởi giả, vị chư pháp sở khởi nhân duyên, đệ tướng nhiếp trì, thiệp nhập vô ngại, phân vi thập chủng, dĩ thích tiền Thập Huyền Môn chi nghĩa. Thực tế mà nói, đoạn này giảng giải về những điều trước đây chúng tôi đã giảng.

Duyên khởi tương do có mười nghĩa: Chư pháp các dị nghĩa. Chư pháp các dị giả, vị chư pháp duyên khởi các bất đồng dã, cái chư pháp đệ hỗ tương vọng, yếu tu thể dụng các biệt, bất tương tạp loạn, phương thành duyên khởi.

Trong Kinh Đức Phật thường nói về duyên khởi. Ở đây nói có nhân duyên quả, Ngài không nói nhân khởi mà nói duyên khởi.

Vì sao không nói nhân?

Nhân muốn thành quả trong đó nhất định phải có duyên. Nếu không có duyên thì nhân chẳng thể biến thành quả. Giống như một hạt dưa, hạt dưa muốn kết thành quả, nếu hạt dưa này không có duyên, chúng ta đặt nó vào trong ly uống trà thì nó sẽ không có duyên, để một trăm năm cũng chẳng thể kết thành quả dưa.

***