NGÀI CŨNG LÀ MỘT BẬC THIÊN TÀI, CHẲNG PHẢI LÀ NGƯỜI BÌNH PHÀM

NGÀI CŨNG LÀ MỘT BẬC THIÊN TÀI,

CHẲNG PHẢI LÀ NGƯỜI BÌNH PHÀM

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Nguồn gốc của Kinh Điển là sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ, tức là sau khi lão nhân gia đã khuất bóng, các học trò đã dựa theo ký ức viết ra, truyền lại cho hậu thế, trở thành Kinh Điển.

Những thứ đã giảng trong bốn mươi chín năm rất nhiều, trong các phần trước, tôi đã từng giới thiệu, Ngài A Nan là nhân vật chủ yếu kết tập Kinh Điển, vì Ngài đảm nhiệm việc trùng tuyên, có trí nhớ tốt, những gì Ngài đã nghe đều có thể ghi nhớ, chẳng quên mất. Nói theo cách bây giờ, Ngài cũng là một bậc thiên tài, chẳng phải là người bình phàm.

Phụ trách chủ trì chuyện này là Tôn Giả Đại Ca Diếp, là vị chịu trách nhiệm chánh yếu của hoạt động này. A Nan là chủ giảng, năm trăm vị A La Hán đều là đồng học, đều là học trò Đức Phật, các Ngài đến chứng minh, đến nghe mỗi ngày. Nghe lời A Nan nói, nếu không có ai phản đối, bèn ghi lại.

Nếu có một vị phản đối, liền gạt bỏ câu ấy, nhằm giữ chữ tín với đời sau: Lời A Nan đã nói là thật, chẳng giả. Như thị ngã văn ta nghe như thế này, những điều tôi nói đều do tôi đích thân nghe Thích Ca Mâu Ni Phật nói, chẳng dám thêm hay bớt chút nào lời Thích Ca Mâu Ni Phật, chẳng có. Hoàn toàn nói đúng như thế.

Đức Phật nói như thế nào, Ngài liền nói như thế ấy, ghi chép lại, trở thành Kinh Điển, chúng ta phải hiểu rõ chuyện này.

Vì thế, Kinh Điển của Đức Phật là giáo dục, chẳng giống các Tôn giáo khác, Kinh Văn từ trên Trời giáng xuống, người hiện thời chẳng tin điều ấy, vì sao?

Hiện nay trên trời chẳng rớt Kinh Văn xuống, rất khó tin tưởng. Phật Pháp chẳng hề nói như vậy, lời thầy nói được kết tập thành Kinh Tạng. Người học đời sau, từ đời thứ ba trở đi, thứ ba sau này đều là chiếu theo Kinh Điển để học tập, nghe người thuộc thế hệ trước chỉ dạy, đời đời lưu truyền, chánh pháp tồn tại lâu dài trong thế gian.

Phật Pháp hưng vượng dựa vào điều này. Chẳng cậy vào tạc Tượng Phật, xây Chùa Miếu, chẳng phải vậy, chẳng dính dáng đến những điều ấy. Thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, một Đạo Tràng cũng không có, ngay cả một túp lều tranh cũng không nghe nói tới, chúng ta nhất định phải hiểu rõ điều này thì học Phật mới có thể học được này nọ.

Hựu Gia Tường Pháp Hoa sớ viết.

Lại nữa, bộ Pháp Hoa Sớ của Ngài Gia Tường có nói, tức là trong chú giải Kinh Pháp Hoa của Gia Tường Đại Sư, Ngài đã giải thích biện tài như sau: Tốc tật ứng cơ danh biện, ngôn hàm văn thái viết tài. Thử tắc dĩ năng tấn tốc ứng cơ, phương danh biện tài dã. Ðáp ứng nhanh chóng từng căn cơ là biện, lời lẽ bóng bảy là tài.

Như vậy thì có thể nhanh chóng thích ứng với từng căn cơ thì mới được gọi là biện tài. Nói theo cách này, nay chúng ta gọi điều này là năng lực ứng biến, người khác nêu ra câu hỏi, bèn chẳng cần suy tư, lập tức giải đáp. Nói rõ người ấy có trí huệ, có học thức phong phú, cho nên mới có năng lực như vậy, biện tài mẫn tiệp.

Hội Sớ viết sách Hội Sớ nói, sách Chú Giải trích dẫn Hội Sớ rất nhiều, ngôn âm khai hoặc vi biện, tùy cơ xảo diệu vi tài, vô bất giai xuất ư Thánh trí Ngôn âm dứt hoặc phiền não, mê hoặc là biện, tùy cơ hay khéo là tài, không điều gì chẳng phát xuất từ Thánh trí, cách giải thích này rất hay.

Tam sớ chi trung, thử thuyết vi thượng. Trong các thuyết của ba bộ sớ, thuyết này hay nhất. Mỗi câu, mỗi chữ do Đức Phật nói ra đều nhằm giúp chúng ta khai trí huệ.

Khai hoặc: Hoặc là mê hoặc. Khai hoặc là phá mê hoặc, điều này được gọi là biện, khéo léo tùy thuận căn cơ là tài. Căn tánh của chúng sanh khác nhau, trong Kinh Phật thường dùng từ ngữ thượng, trung, hạ tam căn. Thượng căn là lợi căn, người này rất thông minh, vừa chỉ điểm liền ngộ, hiểu rõ. Trung hạ căn kém hơn một chút.

Vì thế, Đức Phật dạy học cũng dùng ba loại phương pháp: Chỉ dạy kẻ thượng căn, họ hiểu ngay. Đối với kẻ trung căn, quý vị chỉ dạy họ chẳng hiểu, ắt phải giảng giải rõ ràng, rành mạch, họ mới hiểu. Người hạ căn dẫu giảng nhiều đến mấy, họ chẳng tin tưởng, hạng hạ căn là như vậy.

Làm thế nào?

Đưa ra chứng cứ. Đó gọi là tam chuyển pháp luân, tức thị chuyển, khuyến chuyển, tác chứng chuyển, khiến cho họ tin tưởng. Nếu đã nêu chứng cứ mà họ vẫn không tin, chẳng có cách nào hết, như vậy là kẻ ấy chẳng có duyên với Phật, Phật chẳng có cách nào độ kẻ ấy. Vì vậy, Đức Phật dùng ba thứ phương pháp ấy để tiếp dẫn ba thứ căn cơ bất đồng, đó là biện tài của Như Lai.

Bất luận là thị chuyển, khuyến chuyển, hay tác chứng chuyển đều nương cậy trí huệ. Không có trí huệ sẽ chẳng thể làm được. Từ Kinh Điển, chúng ta thấy Thích Ca Mâu Ni Phật cùng đại chúng đối đáp. Quý vị thấy người ta nêu lên câu hỏi, Đức Phật giải đáp như thế.

Đặc biệt là trong Hội Lăng Nghiêm, gần như từ đầu đến cuối đều là biện luận, người nêu câu hỏi rất hay, Đức Phật trả lời càng khéo léo hơn nữa. Do đó, Cổ Nhân gọi Kinh Lăng Nghiêm là khai trí huệ Lăng Nghiêm rất có lý. Quý vị nghe các Ngài biện luận bèn khai trí huệ.

***