KHIẾN CHO HẾT THẢY CHÚNG SANH
VĨNH THOÁT SANH TỬ HƯ VỌNG
Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
Người thế gian thường nói yêu thương, trong đó có tình, nên gọi là tình chấp. Tình chấp quá nặng rất phiền hà, không ra khỏi luân hồi lục đạo. Cho nên Đạo Phật dùng nhân từ, dùng từ bi, rất ít dùng từ yêu thương. Ở đây, trước chữ ái thêm vào chữ bác, nghĩa là từ bi. Bác là không có điều kiện, không có tình chấp, là yêu thương bình đẳng, ý nghĩa rất giống với từ bi.
Đương cầu độ thế, thế là thế gian, chính là chỉ luân hồi lục đạo. Tự độ độ tha, tự giác giác tha, giúp mình thành tựu, đồng thời cũng giúp người khác. Bản thân ta ngày ngày cầu giác ngộ, đồng thời cũng giác tha.
Ngày nay chúng ta không giống với Đức Thế Tôn, Đức Phật sau khi đã đại triệt đại ngộ mới dạy học. Ngày nay chúng ta, mỗi ngày đem tâm đắc học tập của mình báo cáo, cùng chia sẽ với mọi người. Đây cũng là tự giác giác tha, đây cũng là tự độ độ tha.
Đầu tiên là độ bản thân, không độ mình làm sao có thể độ người khác?
Ta tự giác tự độ, ngày ngày tiến triển, ngày ngày báo cáo với đại chúng. Phải xem đại chúng như thầy của mình, như cha mẹ mình, như giám học của mình, mỗi ngày họ đốc thúc mình, nhìn mình tiến bộ. Người đứng trên bục giảng là học sinh. Nếu chúng ta dùng thái độ này, nhất định có tiến bộ.
Nói cho chư vị biết, các Bậc Thánh Hiền đều dùng thái độ này, không có ngoại lệ. Nếu có ngoại lệ, người ngoại lệ này, thành tựu của họ là pháp thế gian, họ đạt được là tri thức, không phải trí tuệ.
Thậm chí còn lợi dụng nó để kiếm tiền, cầu một chút lợi ích, là gì vậy?
Tôi đi dạy phải đóng học phí, phải trả học phí theo giờ, không nộp tôi không dạy. Đó là kiểu mua bán kiếm tiền, hiện nay tình trạng này rất thịnh.
Lúc tôi ở Mỹ, rất nhiều đồng tu nói với tôi: Thầy à, mỗi lần giảng Kinh thầy nên bán vé, càng đắt người ta sẽ càng tán thán. Thầy không thu tiền, người ta nói thầy giảng không hay, thầy là giả không phải thật. Thượng Sư Mật Tông làm lễ quán đảnh, hình như một lần quán đãnh là năm mươi USD.
Chúng ta truyền quy y cho người khác không thu tiền, đại khái là thầy quy y như vậy không có hiệu quả. Nếu thầy định giá một lần quy y là một trăm USD, thầy giỏi hơn người quán đảnh đó.
Thái độ của người bây giờ là như thế, quả thật như Cổ Nhân nói: Nghe lừa dối không nghe khuyên, nhận giả không nhận thật, như vậy thì hết cách.
Những người đến tìm chúng tôi này là có ý tốt, nhưng tôi không thể tiếp nhận, vì sao vậy?
Vì Đức Phật không có cách làm này, chư vị Tổ Sư cũng không làm như vậy, chúng ta không được phá lệ này, đây chắc chắn không phải là phương pháp hay. Họ không tin pháp mình nói không sao, qua mười năm, hai mươi năm, năm mươi năm, một trăm năm họ sẽ tin. Lúc đó tin đã không còn phần của họ, hối hận không kịp.
Nhất định không vì danh văn lợi dưỡng, nhất định không có tham sân si mạn, nên thật thà học tập, gọi là Phật độ người có duyên. Đừng tham, trong đời độ được một người, không ít.
Độ được một trăm vạn người, không nhiều. Đạo Phật thường nói không tăng không giảm, phải hiểu rõ đạo lý này. Học Phật thật sự phải học cho được tâm thanh tịnh, học cho được tâm bình đẳng. Lúc này pháp hỷ sung mãn, tự tại an vui, hưởng thụ cao nhất của đời người. Khiến cho hết thảy chúng sanh vĩnh thoát sanh tử hư vọng. Chữ này dùng rất hay, sanh tử không phải thật, là hư vọng.
Thấu hiểu câu này, chúng ta sẽ không tham sống, không sợ chết, vì sao vậy?
Vì sanh tử là giả tướng. Nhổ sạch đoạn tận gốc của các điều ác sanh tử, nhổ sạch gốc sanh tử, chặt đứt nó.
Gốc của sanh tử là gì?
Là ái dục.
Đức Phật nói rất hay: Ái không nặng không sanh Ta Bà. Ta Bà là chỉ cho lục đạo, ái không nặng quý vị không vào trong lục đạo. Niệm không nhất không sanh Tịnh Độ.
Quý vị gặp pháp môn Tịnh Độ, niệm Phật A Di Đà, nếu không chuyên nhất không thể vãng sanh. Giữa Phật A Di Đà còn có niệm thứ hai, như vậy không thể vãng sanh. Chỉ cho phép có một niệm, không cho phép có hai niệm. Căn bản của các điều ác chính là năm độc tham sân si mạn nghi, đây là gốc các điều ác, ái dục là gốc của sanh tử.
Nên Phật dạy chúng ta: Cần tu giới định huệ, tức diệt tham sân si, đây là chánh pháp của Như Lai.
Cần tu giới định huệ, chúng ta nên nhớ rằng: Đệ Tử Quy là giới luật, Cảm Ứng Thiên là giới luật, Thập Thiện Nghiệp Đạo là giới luật. Đức Phật dạy hàng đệ tử phải đi lên theo thứ tự, không đồng ý đi băng, như nhảy lớp, Đức Phật không tán thành điều này.
Cũng chính là nói, bắt buộc quý vị học từ tiểu học, trung học, đại học, nghiên cứu sở, hoàn thành từng bước một. Từ lớp một đến lớp hai, học như vậy, điều này Đức Phật khen ngợi.
Nhảy lớp, Phật không tán thành, có nhảy lớp chăng?
Có, người đặc biệt thù thắng, cái gọi là thiên tài. Đó là trong một vạn người tìm không được một người, trong ức vạn người cũng tìm không được ai. Trong mấy trăm năm có thể xuất hiện được một người, mấy trăm năm, mấy ngàn năm gặp được một người. Quá hy hữu, điều này không nên học.
Nên làm người quý ở chỗ tự biết mình, biết được căn tánh mình, điều này vô cùng đáng quý, vì sao vậy?
Vì bản thân căn tánh như thế nào, áp dụng phương thức học ra sao, họ mới học thành công được, không vượt quá khả năng.
Không biết căn tánh của mình, muốn học điều cao nhất, hoàn toàn không có nền tảng bên dưới, vất vả học suốt cả một đời, vẫn không có chút thành tựu nào, sau cùng như thế nào?
Vẫn trầm luân trong sanh tử luân hồi, tùy nghiệp lưu chuyển, như vậy là sai triệt để. Không phải thượng căn lợi trí, quý vị nên thật thà niệm Phật Tu Tịnh Độ. Nếu chân thật, tự khẳng định mình không bằng người, người ta đều hơn mình, mình không bằng người ta, nên ngoan ngoãn niệm câu danh hiệu A Di Đà Phật này. Niệm năm ba năm, họ thật sự vãng sanh về Thế Giới Cực Lạc, họ đi làm Phật.
Người tự cho rằng thông minh, siêng năng học tập Đại Tạng Kinh. Nhiều Kinh Luận như thế, suốt đời một trăm năm học không hết, chưa học hết thì thọ mạng đã đến, phải luân hồi như thế nào vẫn là luân hồi như thế. Chỉ trồng được ít hạt giống Phật Pháp trong A lại da thức mà thôi, nó chưa nảy mầm, đây đều là tình trạng thực tế.
Chúng ta thật sự hiểu rõ ràng minh bạch, sẽ không đi sai đường, không uổng phí thời gian, nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu. Cùng lắm tôi chỉ một bộ Kinh Vô Lượng Thọ này, hoặc là một bộ Kinh A Di Đà. Kinh Vô Lượng Thọ quá lớn, không thọ trì hết, tôi thọ trì Kinh A Di Đà. Được. Không phải không được. Thọ trì lâu ngày, dần dần khế nhập cảnh giới, thành tựu lúc nào không hay.
Chúng ta xem Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Vãng Sanh Truyện, họ dùng không bao nhiêu thời gian, cũng chỉ là năm ba năm mà thôi. Năm ba năm bèn biết trước giờ chết, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc, họ đã đi làm Phật. Người tự cho mình thông minh, vẫn cứ trôi lăn trong luân hồi.
***