HƯỚNG TÂY CÓ THẾ GIỚI, CÓ PHẬT A DI ĐÀ, HAI CHỮ HỮU Ở ĐÂY, NÊN PHẢI ĐỂ Ý

HƯỚNG TÂY CÓ THẾ GIỚI,

CÓ PHẬT A DI ĐÀ, HAI CHỮ

HỮU Ở ĐÂY, NÊN PHẢI ĐỂ Ý

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Phật Thích Ca Mâu Ni giảng Vô Lượng Thọ Kinh. Kinh Vô Lượng Thọ là bộ Kinh được Thế Tôn nói rất nhiều lần, bởi thế, rất nhiều Kinh Điển khác cũng có cách ghi chép như thế.

Giống như bộ Kinh Như Huyễn Tam Ma Địa Vô Lượng Ấn Pháp Môn, cũng nói đến. Đều có thể dùng đoạn Kinh này để chứng minh. Điều này chứng minh, nó là chân, không phải giả.

Phần thứ ba được dẫn chứng Thập Vãng Sinh Kinh nói: Phật nói với Bồ Tát Sơn Hải Tuệ nay các con nên đứng dậy chp tay, đứng thẳng hướng Tây, chánh niệm quán nước Phật A Di Đà, xin thấy Phật A Di Đà, đây là lời Phật dạy mọi người.

Tại sao Phật nói như thế?

Phật thấy cơ duyên mọi người đã chín muồi, cũng có thể nói, duyên với Phật A Di Đà đã chín muồi, lúc đó bèn nhắc nhở mọi người. Bồ Tát Sơn Hải Tuệ làm đương cơ, nói với Bồ Tát, hiện tại, kim là hiện tại. Nên đứng lên chấp tay, thẳng người hướng Tây, ở đây chỉ phương hướng đứng.

Chánh niệm là nhất tâm chuyên niệm. Quán là trong tâm nên quán tưởng, miệng niệm Phật, tâm nhớ nghĩ Phật A Di Đà, nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc. Nước A Di Đà Phật là Thế Giới Cực Lạc, xin thấy Phật A Di Đà. Chúng ta niệm, trong lòng lúc nào cũng mong thân cận Phật A Di Đà, thấy Phật A Di Đà, học tập Phật A Di Đà.

Phần tiếp theo là đại chúng y giáo phụng hành: Lúc đó tất cả đại chúng, tất cả đại chúng đang tham dự, đều đứng lên chấp tay, cùng quán Phật A Di Đà. Mọi người đều làm theo lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni, cảm ứng liền thông, giống như đạo lý trong Kinh này, chúng sinh có cảm.

Huống gì đã có Phật Thích Ca Mâu Ni đứng bên chỉ đạo, oai thần gia trì, sức mạnh cảm ứng này, cực kì bất khả tư nghị. Có thể nói, cùng Phật A Di Đà, tương ứng ngay tức khắc, nhất niệm đó tương ứng ngay.

Liền thấy nước A Di Đà Phật, thấy ngay những thứ trang nghiêm, diệu hảo ở Thế Giới Cực Lạc. Đều là thất bảo, núi thất bảo, cõi nước thất bảo, ở đây nói về y báo. Bảy trong bảy báu không phải số đếm, tượng trưng cho sự đầy đủ.

Số bảy tượng trưng bốn hướng và trên dưới, thêm phương giữa, là đầy đủ, vì vậy nó không phải số đếm. Đầy đủ ở đây là vô lượng vô biên, một số chúng ta đã nhìn thấy ở Thế Giới này, một số ta chưa nhìn thấy. Thế Giới Cực Lạc rộng lớn hơn Thế giới chúng ta, quả đất chúng ta có biên giới, Thế Giới Cực Lạc không có biên giới.

Nó không phải nước pháp tướng, nó là nước pháp tánh, pháp tánh không giống pháp tướng, pháp tướng có chất, chúng ta gọi là vật chất, nó có vật chất. Pháp tánh không có vật chất, hai cõi này khác nhau, có vật chất và không có vật chất không đụng chạm nhau, lí sự vô ngại, sự sự vô ngại, nó không đụng chạm.

Bởi thế, Thế Giới Cực Lạc, không chỗ nào không có, không lúc nào không có, có duyên lập tức hiện tướng, nếu duyên không có, tướng lập tức biến mất.

Đúng như câu: Có mặt ngay đây, biến mất ngay đây. Bởi thế thấy được núi Thất Bảo, nước Thất Bảo ở Thế Giới Cực Lạc.

Lại thấy nước, chim, cây, rừng, thường nói tiếng pháp, nước, chim, cây, rừng đều đang thuyết pháp, đều đang niệm Phật. Trong môi trường đó, muốn nghe Kinh nào, sẽ nghe được Kinh đó, như những gì bạn nghĩ.

Hai người ở cùng nhau, tôi muốn nghe Vô Lượng Thọ, anh muốn nghe Hoa Nghiêm Kinh, những gì chúng ta nghe thấy đều là những thứ trong lòng ta suy nghĩ.

Giống như kênh khác nhau, tôi mở kênh này, bạn sẽ xem được kênh này, tướng hiện ra, những âm thanh nghe được. Bạn nhìn thấy những gì bạn nghĩ, tôi thấy được những gì tôi nghĩ, không xung đột lẫn nhau, đấy là cảnh giới bất khả tư nghị.

Nước kia mỗi ngày đều chuyển pháp luân, không bao giờ nghỉ. Những gì ở trên đều cho thấy nhân dân Ấn Độ đương thời, hoặc đến hàng trăm, hoặc đến hàng vạn, tận mắt nhìn thấy y chánh trang nghiêm Thế Giới Cực Lạc.

Hướng Tây có Thế Giới, có Phật A Di Đà, hai chữ hữu ở đây, nên phải để ý. Hai chữ hữu chắc chắn là có, không phải giả.

***