ĐỂ PHẬT A DI ĐÀ TRONG LÒNG, NGOÀI RA ĐỀU BUÔNG BỎ HẾT

ĐỂ PHẬT A DI ĐÀ TRONG LÒNG,

NGOÀI RA ĐỀU BUÔNG BỎ HẾT

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Phiền não chướng lại chia thành ba loại lớn: Kiến tư phiền não, trần sa phiền não, vô minh phiền não. Nếu đoạn trừ hết những phiền não này, trong tự tánh vốn không có phiền não, khi mê ngộ nhận rằng thân này là ta. Từ thân sanh ra vọng tưởng tự tư tự lợi, từ tự tư tự lợi mà sanh ra vô lượng vô biên tập khí phiền não.

Đức Phật dạy chúng ta không có gì khác, ngoài mục đích giúp ta giác ngộ, nhận thức chính mình, sau đó đào thải tập khí phiền não của chúng ta. Dần dần buông bỏ hết, ta sẽ trở về tự tánh.

Trong tự tánh trí tuệ viên mãn, đức năng viên mãn, tướng hảo viên mãn đều hiện tiền. Đây là giáo huấn của Phật, Đức Phật dạy chúng ta. Tương lai chúng ta tu thành tựu, toàn là tự tánh mình vốn có, Phật không cho chúng ta gì cả. Chúng ta phải hiểu điều này.

Nhưng chúng ta mê muội, nếu Ngài không dạy, chúng ta làm sao biết quay đầu?

Làm sao biết bản thân mê hoặc?

Nhất định phải cảm kích ân đức này, phải thường có tâm cảm ân. Đức Phật biết quá khứ, biết vị lai, biết được chúng sanh số hiện tại. Số là số lượng, Phật đều biết hết.

Phi chúng sanh số, phi chúng sanh như hiện nay chúng ta nói là thực vật, khoáng vật. Trong Phật Pháp gọi là hữu tình thế gian, khí thế gian, khí thế gian là phi chúng sanh, phi chúng sanh số. Hữu thường và vô thường vân vân.

Thường là gì?

Thường là vĩnh hằng bất biến, vô thường là biến hóa trong từng sát na. Tự tánh của tất cả pháp là thường, hữu thường, hiện tượng của tất cả pháp là vô thường. Đức Phật ở dưới cội bồ đề thành vô thượng, chánh đẳng, chánh giác, không có gì Ngài không biết, nên gọi Ngài là Phật Đà, dịch sang tiếng Trung Quốc là Đại Giác Thế Tôn.

Vì thế có một số Tự Viện, dùng Đại Giác làm danh hiệu Chùa Đại Giác, đây là Chùa của Phật Giáo, Đạo Tràng của Phật Giáo.

Phật thành tựu nhất thiết trí tuệ, quá khứ, hiện tại, vị lai, tận bất tận, động bất động, thấu triệt tất cả thế gian, nên gọi là Phật Đà.

Đây là ba loại trí chúng ta nói ở trước: Nhất thiết trí, đạo chủng trí, nhất thiết chủng trí. Trí tuệ thành tựu, cho nên quá khứ, vị lai, hiện tại, tận bất tận, động bất động, hiểu rõ tất cả thế gian. Tất nghĩa là biết hết, là minh bạch.

Thế nào gọi là tận?

Thế nào gọi là bất tận?

Thế nào gọi là động?

Thế nào gọi là bất động?

Tận bất tận là đối với lý mà nói, cùng tận căn nguyên.

Đến trình độ nào mới tận?

Trở về tự tánh mới là tận, A lại da trở xuống đều là bất tận, không cùng tận. Nghĩa là chưa thật sự thấy được chân tướng sự thật, thấy được viên mãn, thấy được rốt ráo. Bất động là tự tánh, động là hiện tượng.

Nhất thiết thế gian, đều bao gồm cả ba loại thế gian: Hữu tình thế gian, khí thế gian, trí chánh giác thế gian. Trí chánh giác là thế gian của Thánh Nhân, Phật không có gì không biết. Ở trên đều nói về Chữ Phật, Phật là chính mình. Sau khi hiểu rõ, chúng ta phải coi việc thành Phật là mục tiêu hàng đầu cần phải nổ lực trong đời này.

Quý vị đã làm Phật, tôi nói buôn bán có được chăng?

Được, bất cứ ngành nghề nào trong thế gian đều được. Quý vị mới biết, Phật là giác ngộ, là trí tuệ, bất luận làm nghề gì đều là đỉnh cao, đều là Phật.

Phật ở đâu?

Phật tại các ngành các nghề, Phật trong nam nữ già trẻ, họ giác ngộ, họ chính là Phật. Nói từ góc độ thế gian, Phật là người tốt nhất, người tốt không ai sánh bằng.

Ngài là người tốt nhất trong thế gian, bất luận làm ngành nghề nào, đều trở thành người tốt nhất trong ngành nghề đó. Ngài có trí tuệ, có năng lực, biết quá khứ, hiện tại, vị lai. Đây là thuộc về đức năng.

Bên dưới nói: Thế Tôn, tiếng Phạn gọi là Bạc Già Phạm, viên mãn đầy đủ chúng đức, là thế gian tôn trọng, nên hiệu là Thế Tôn. Chúng ta có thói quen, đối với người mà ta tôn trọng, đều thêm vào một danh hiệu như vậy.

Trong Phật Pháp cũng như vậy, đây là xưng hiệu mà thông thường chúng ta tôn trọng đối với Phật, xưng là Thế Tôn. Thế là thế xuất thế gian, người này đáng để chúng ta tôn kính. Bình thường chúng ta nói tôn kính người nào đó. 

Thế Tôn nghĩa là tôn kính, tiếng Phạn gọi là Bạc Già Phạm. Viên mãn đầy đủ chúng đức, người có đức hạnh, đức hạnh viên mãn, Ngài đều đầy đủ tất cả.

Người xưa dùng mười hai chữ để hình dung về đức hạnh: Hiếu để trung tín, lễ nghĩa liêm sỉ, nhân ái hòa bình, Ngài đều đầy đủ, người này đáng được người tôn kính.

Trong Phật Pháp nói: Hiếu dưỡng phụ mẫu phụng sự Sư Trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp, đây đều là đức. Thọ trì Tam Quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi, cũng là đức. Phát tâm bồ đề, thâm tín nhân quả, cũng là đức. Quý vị xem, học nghĩa là đọc tụng đại thừa.

Quý vị xem trong mười câu, hết chín câu nói về đức, học chỉ nói một câu: Đọc tụng đại thừa. Ở sau là khuyến tấn hành giả, đó là giáo hóa chúng sanh. Nhìn từ gốc độ này, ta thấy Phật Giáo rất coi trọng đức hạnh.

Không viên mãn đầy đủ chúng đức, như vậy sao có thể thành Phật được?

Từ đó cho thấy, đức hạnh viên mãn là trong tự tánh vốn đầy đủ, không phải học được từ bên ngoài, toàn là tánh đức. Hiểu được đạo lý này, mười ba điều trong Đệ Tử Quy là tánh đức, vốn là như vậy. Chúng ta mê thất tự tánh, lạc mất phương hướng, đánh mất căn bản làm người, do đó mà đi ngược với tánh đức.

Phật Bồ Tát từ bi, thị hiện ở thế gian để dạy chúng, giúp chúng ta quay đầu là bờ. Vì thế chúng ta phải dùng tu đức để trở về tự tánh, như vậy là viên mãn. Đây là người thế gian tôn trọng, kính ngưỡng, cho nên gọi là Thế Tôn.

Phẩm Thập Hiệu trong Thành Thật Luận nói: Chín loại này là chỉ đầy đủ các danh hiệu ở trước, đối với bậc trung tôn trong ba đời mười phương thế giới, nên gọi là Thế Tôn. Đây là Thành Thật Luận, một tông phái của tiểu thừa.

Nương Thành Thật Luận mà kiến lập, gọi là Thành Thật Tông, trong này cũng nói đến mười hiệu của Như Lai. Chín hiệu ở trước đều đầy đủ, cho nên gọi là Thế Tôn, là bậc thế xuất thế gian mà tất cả chúng sanh đều tôn kính.

***