CHÚNG TA THƯỜNG GỌI CÕI ẤY LÀ NHẤT CHÂN PHÁP GIỚI

CHÚNG TA THƯỜNG GỌI CÕI

ẤY LÀ NHẤT CHÂN PHÁP GIỚI

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Nếu có thể thẳng tiến chẳng lui, hoàn thành Phật Đạo thì gọi là đáo bỉ ngạn đạt đến bờ kia, ý nói: Ðại Sĩ phổ độ, làm cho hết thảy chúng sanh chứng nhập Vô dư Niết Bàn rồi chính mình mới chứng Niết Bàn. Trong thế gian, Bồ Tát chẳng làm chuyện gì khác, mà làm chuyện như vậy đó, chẳng mệt, chẳng ngán, vĩnh viễn chẳng ngơi nghỉ.

Chúng ta lại xem mấy câu Kinh Văn kế đó: Tất hoạch Chư Phật vô lượng công đức, trí huệ Thánh Minh bất khả tư nghị đều đạt được vô lượng công đức của Chư Phật, trí huệ Thánh minh chẳng thể nghĩ bàn.

Hai câu ấy được chú giải như sau: Dĩ thượng nhị cú, biểu chư Đại Sĩ Cụ túc phước trí nhị nghiêm. Hai câu trên đây biểu thị các vị Đại Sĩ phước trí nhị nghiêm, nghiêm là trang nghiêm. Phước trí nhị nghiêm là phước trang nghiêm và huệ trang nghiêm. Vị tề quả vị, nãi tùng quả hướng nhân chi đại Bồ Tát, hàm đắc Như Lai chi phước đức trang nghiêm.

Trí huệ Thánh minh bất khả tư nghị, minh Đại Sĩ hàm đắc Như Lai chi trí huệ trang nghiêm là bậc Bồ Tát có địa vị ngang với quả vị, nhưng từ quả hướng nhân, đều đã đắc phước đức trang nghiêm của Như Lai. Trí huệ Thánh minh chẳng thể nghĩ bàn là nói các Ðại Sĩ đều đã chứng đắc trí huệ trang nghiêm của Như Lai, chúng ta xem đoạn này.

Đây là gì?

Thành tựu người khác vốn là thành tựu chính mình. Chính mình đã thành Phật, sau khi đã thành Phật, phước huệ sẽ đạt tới viên mãn rốt ráo, quý vị phải phổ độ chúng sanh. Nếu chẳng thể phổ độ chúng sanh, phước huệ của quý vị sẽ chẳng thể viên mãn. Phước huệ viên mãn là chuyện tự nhiên, không nhất định do tâm ta mong tưởng. Quả thật là trong cảnh giới, Bồ Tát chẳng khởi tâm, không động niệm.

Chúng ta biết, đối với bốn mươi mốt phẩm vô minh, tức là tập khí vô minh, Ngài chưa đoạn bốn mươi mốt phẩm tập khí vô minh, nhưng Ngài có mong đoạn hay không?

Ngài cũng chẳng mong. Nếu Ngài nghĩ tưởng, mong muốn, liền bị đọa lạc, vì Ngài lại khởi tâm động niệm.

Pháp thân Bồ Tát chẳng khởi tâm, không động niệm, lẽ đâu Ngài mong đoạn tập khí vô minh, hay là mong muốn, hy vọng phước huệ viên mãn?

Chẳng có ý niệm ấy, thế mà bốn mươi mốt phẩm vô minh tự nhiên đoạn sạch viên mãn. Do đó, sau khi đã đại triệt đại ngộ, sau khi minh tâm kiến tánh, các Ngài trụ trong Cõi Thật Báo Trang Nghiêm, chúng ta thường gọi cõi ấy là nhất chân pháp giới.

Trụ bao lâu?

Ba đại A tăng kỳ kiếp.

Vì sao phải trụ lâu như thế?

Phải qua thời gian dài như thế thì mới chẳng còn tập khí.

Ngài trụ trong Cõi Thật Báo lâu như thế để làm gì?

Tánh đức tự nhiên lưu lộ, mười phương thế giới, khắp pháp giới hư không giới, bất cứ chỗ nào chúng sanh có cảm, Ngài bèn có ứng.

Chúng sanh cảm thì có hiển cảm: Cảm rõ rệt và có minh cảm, cảm ngấm ngầm. Minh cảm là chúng sanh có cầu Phật, Bồ Tát, nhưng chính họ chẳng biết, vì ý niệm rất vi tế, chính họ chẳng cảm nhận được, nhưng Phật, Bồ Tát nhận biết, nhận được tin tức ấy.

Hễ nhận được, các Ngài liền đến giúp đỡ quý vị, vì sao?

Quý vị có duyên với các Ngài.

Do đó, phải biết: Nay chúng ta kết duyên với hết thảy mọi người, kết duyên với hết thảy chúng sanh, thiện duyên cũng thế, mà ác duyên cũng vậy, duyên bình đẳng, bất luận thiện hay ác, chỉ cần là có duyên, khi thành Phật, họ nhất định đến độ quý vị.

Quý vị có duyên với họ, nên quý vị vừa phát ra tin tức, họ sẽ nhận được ngay lập tức. Chưa đoạn tập khí phiền não, sẽ có thiện duyên và có ác duyên. Nếu đoạn sạch tập khí phiền não, thiện duyên và ác duyên thảy đều biến thành pháp duyên.

Trong tự tánh, chẳng thể tìm được thiện hay ác. Không chỉ là chẳng có thiện, ác, mà chân, vọng cũng chẳng có, tà, chánh cũng chẳng có, đó là nói theo nhất chân pháp giới.

***