BUÔNG XUỐNG LÀ BUÔNG PHIỀN NÃO SANH TỬ XUỐNG

BUÔNG XUỐNG LÀ BUÔNG

PHIỀN NÃO SANH TỬ XUỐNG

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Thử Bồ Tát tâm thường trụ vô trụ xứ Niết Bàn, vân tâm thường trụ tâm của các vị Bồ Tát ấy thường trụ trong Vô trụ xứ Niết Bàn, nên nói là tâm thường trụ. Chứng đắc Đại Bát Niết Bàn, nhưng các Ngài chẳng trụ trong Niết Bàn, chúng ta cũng nói là vô trụ Niết Bàn.

Ở đây, Sư còn thêm chữ xứ, tức vô trụ xứ, chúng ta thường tỉnh lược chữ xứ này, nên nói là Vô trụ Niết Bàn. Chẳng trụ trong sanh tử, chẳng trụ trong Niết Bàn. Nói rõ các vị Bồ Tát ấy khác A La Hán và Bích Chi Phật. A La Hán và Bích Chi Phật trụ Niết Bàn, chẳng trụ sanh tử.

Sanh tử là lục đạo, các vị ấy chẳng trụ trong lục đạo, nhưng trụ trong Niết Bàn. Các vị Bồ Tát ấy đã chứng Niết Bàn, nhưng chẳng trụ Niết Bàn, thời thời khắc khắc vào trong lục đạo, ở lẫn lộn với chúng sanh trong lục đạo, hòa quang đồng trần.

Ở lẫn lộn với chúng sanh, biểu hiện chẳng khác chúng sanh cho mấy, không ai có thể nhận ra Ngài là Phật, hay Bồ Tát thật sự. Ở đây, có một câu phải nói rõ cùng quý vị.

Mọi người phải nhớ: Những vị Phật, Bồ Tát thị hiện trong nhân gian, nếu thân phận bị bộc lộ Ngài là vị Bồ Tát nào đó thị hiện, giống như Di Lặc Bồ Tát, tôi lấy Ngài làm thí dụ. Bố Đại Hòa Thượng đời Tống, Cao Tăng Truyện có chép truyện ký của Ngài. Ngài xuất hiện vào thời Tống Cao Tông, họ ngoài đời là gì, sống ở đâu, quê quán là đâu, không ai biết.

Vì người thuở ấy cũng chẳng có ai coi trọng Ngài. Vị xuất gia ấy rất tùy tiện, cũng chẳng chú trọng dáng vẻ, rất nhếch nhác, điên điên khùng khùng, là một người như vậy đó, nên cũng chẳng có ai coi trọng Ngài.

Hằng ngày, Ngài xách một cái túi vải to ra ngoài hóa duyên, bất luận người ta cho thứ gì đều bỏ vào túi, vác lên vai, bỏ đi.

Đã có người hướng về Ngài thỉnh giáo Phật Pháp: Phật Pháp là gì?

Ngài bỏ túi xuống bên cạnh, buông thõng hai tay. Mọi người thấy vậy bèn hiểu là buông xuống.

Phật Pháp là gì?

Buông xuống. Người ta thấy được điều ấy, hiểu ý Ngài.

Sau khi đã buông xuống, nên làm như thế nào?

Ngài quảy túi lên, bỏ đi, chẳng đoái hoài người hỏi nữa, biểu thị ý nghĩa gì?

Sau khi buông xuống, phải nâng lên được. Buông xuống được, nâng lên được.

Buông xuống là buông phiền não sanh tử xuống, nâng lên là gì?

Phổ độ chúng sanh. Thấy các chúng sanh sanh tử luân hồi trong lục đạo, nhất định phải có lòng thương xót, tâm từ bi, niệm niệm giúp đỡ họ. Chúng sanh căn cơ chín muồi thì phải thành tựu họ. Họ đã đạt đến một mức độ nhất định, phải giúp họ giác ngộ, giúp họ minh tâm kiến tánh.

Người đã có thiện căn, nhưng còn chưa đạt đến mức độ ấy, phải giúp người ấy tăng trưởng. Kẻ chưa phát tâm, phải giúp cho kẻ ấy phát tâm. Bất luận đối với ai, Bồ Tát vừa trông thấy liền biết căn khí của họ, tận tâm tận lực chiếu cố.

Lúc vãng sanh, Bố Đại Hòa Thượng nói với mọi người, công khai nói Ngài là Di Lặc Bồ Tát hóa thân. Nói xong bèn tịch, đó là thật. Nếu Ngài nói xong, vẫn chẳng tịch, thì đó là gạt người, giả trất.

Vì vậy, trong xã hội hiện thời, có rất nhiều người nói: Kẻ nào đó là Bồ Tát hay Phật nào đó tái lai, nói xong, kẻ ấy vẫn chẳng tịch. Đó là bịa chuyện đồn thổi.

Như Bố Đại Hòa Thượng là tự mình nói ra, còn có những vị bị người khác nói ra thân phận. Thiên Thai Sơn Chí có ghi chép Hàn Sơn, Thập Đắc, Hòa Thượng Phong Can, ba vị này là Văn Thù, Phổ Hiền, và A Di Đà Phật. Ngài Phong Can là A Di Đà Phật tái lai. Ba vị này chẳng tự mình nói ra, mà do người khác nói.

Sau khi nói ra, mọi người biết đến, ba vị ấy đều đi mất. Đó là thật, trong lịch sử tại Trung Quốc, những trường hợp như vậy rất nhiều. Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ cũng là A Di Đà Phật tái lai.

Sau này, nếu chúng ta gặp những kẻ nói như vậy, nếu kẻ ấy nói xong vẫn chẳng tịch, hãy khéo khuyến cáo kẻ ấy: Ngươi là giả, chẳng thật.

Nếu là thật, ngươi phải tịch, vì sao vẫn chẳng tịch?

Chứng tỏ ngươi giả trất, sau này đừng nói nữa.

Hễ còn nói sẽ là gì?

Là đại vọng ngữ. Ngươi chưa chứng đắc, nhưng tự nói chính mình chứng đắc. Ngay cả trong trường hợp đã đắc thiền định, khai trí huệ, đều chớ nên nói. Ngươi chẳng đắc thiền định mà nói chính mình đã đắc thiền định, chẳng khai trí huệ mà nói chính mình đã khai trí huệ.

Ngươi nói những lời lẽ đó nhằm mục đích nào?

Toàn là vì tiếng tăm, lợi dưỡng, gạt gẫm chúng sanh. Trong giới luật của Phật Pháp, đó là đại vọng ngữ.

Kẻ đại vọng ngữ đều đọa địa ngục. Trước mắt, ngươi có thể đạt được một chút lợi ích, lợi ích nhỏ nhặt, nhưng lừa gạt kẻ khác, sau khi chết, sẽ đọa địa ngục, muốn thoát ra rất phiền. Huống hồ khi đã thoát ra, đã chịu hết tội trong địa ngục, sẽ biến thành súc sanh để trả nợ. Ngươi đã lừa gạt những người đó nên đều phải đền nợ.

Do đó, người hiểu sâu nhân quả, chẳng dám làm chuyện phi pháp. Không chỉ chẳng dám làm, mà nghĩ cũng chẳng dám nghĩ. Vì vậy, đối với đạo hạnh và tu dưỡng của một cá nhân, nhân quả có sức mạnh vượt xa luân lý, đạo đức.

Người tu dưỡng đạo đức khá, nhưng gặp phải những thứ gọi là danh cao, lợi trọng, vẫn chẳng thể chống nổi sự dụ dỗ, mê hoặc, vẫn có thể phạm lỗi. Chỉ có người tin sâu nhân quả, tuy thấy những thứ đó, tâm vừa động, nhưng nghĩ đến quả báo trong tương lai sẽ là như thế nào, bèn chẳng dám làm.

Trung Quốc từ xưa tới nay, xã hội ổn định vững bền mấy ngàn năm dựa vào gì?

Điều chủ yếu nhất là dựa vào giáo dục nhân quả. Ba Nhà Nho, Thích, Đạo đều có giáo dục nhân quả. Trong xã hội, giảng nhân quả nhiều nhất, nói thật ra, Đạo Gia còn giảng nhiều hơn Phật. Nhà Phật cũng giảng không ít, nhưng thường là khi giảng Kinh chẳng chuyên nói về nhân quả, chỉ nói kèm theo.

Do đó, giáo dục nhân quả phổ cập thì Đạo Gia xếp hàng đầu. Quý vị thấy Đạo Gia có Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn, và Tâm Kinh của Lữ Tổ, những thứ ấy đều là của Đạo Gia, lưu thông phổ biến trong xã hội.

***