BUÔNG BỎ TÂM DƠ BẨN NÀY CỦA CHÚNG TA, ĐỂ PHẬT A DI ĐÀ VÀO TRONG TÂM, ĐÂY GỌI LÀ ĐỔI TÂM

BUÔNG BỎ TÂM DƠ BẨN NÀY CỦA

 CHÚNG TA, ĐỂ PHẬT A DI ĐÀ VÀO 

TRONG TÂM, ĐÂY GỌI LÀ ĐỔI TÂM

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Hai chữ tín nguyện này, chúng ta làm sao để nuôi dưỡng nó thật tốt?

Làm sao bồi dưỡng tín tâm nguyện tâm?

Đọc Kinh, nghe Kinh. Thượng trí và hạ ngu dễ độ, họ nghe lời, không hoài nghi, thật thà. Khó độ nhất là hạng người ở giữa, thượng không thượng, hạ không hạ. Hạng người này nhiều nhất, thượng trí ít, ít lại càng ít, hạ ngu cũng ít, cũng là ít lại càng ít.

Hai hạng người này vừa tiếp xúc nhất định thành công. Nên ngày nay chúng ta quyết định không còn hoài nghi, không còn nghe ngóng hỏi han.

Khi tôi ở Đài Trung theo thầy Lý học Kinh Giáo, thầy Lý thường lớn tiếng nhắc nhở đại chúng: Phải đổi tâm.

Chữ này tôi nghe quen thuộc, ấn tượng sâu sắc, thay đổi tâm gì?

Buông bỏ tâm dơ bẩn này của chúng ta, để Phật A Di Đà vào trong tâm, đây gọi là đổi tâm.

Tâm tôi chính là Phật A Di Đà, Phật A Di Đà chính là tâm tôi, được chăng?

Được, vì sao vậy?

Vì Phật A Di Đà là duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Phật A Di Đà không phải người ngoài, vốn là do ta biến hiện ra. Ngày nay những thứ tạp loạn trong lòng, cũng là chính mình biến hiện ra. Tự mình biến thì thay không khó, rất dễ. Không phải mình, tìm người khác, điều này khó, vô cùng khó.

Như Thiền Sư Trung Phong nói: Tâm tôi tức Phật A Di Đà, Phật A Di Đà tức là tâm tôi. Ở đây tức là Tịnh Độ, Tịnh Độ tức là ở đây. Ở đây tức là Tịnh Độ, ở đây sẽ không có thiên tai.

Tịnh Độ từ đâu mà có?

Tâm tịnh tức Cõi Phật Tịnh, nói rõ ràng biết bao, minh bạch biết bao. Tâm không thanh tịnh, cõi nước sẽ không thanh tịnh, tâm tịnh Cõi Phật mới tịnh.

Còn cần hỏi gì nữa chăng?

Không cần thiết.

Chúng ta xem tiếp đoạn sau: Ngoài ra còn có nước giải mạn, hoặc gọi là giải mạn giới, giới chính là Thế giới, có một nơi như vậy. Giữa đường từ cõi này đến nước Cực Lạc, ở giữa mười vạn ức cõi nước Phật còn có một nơi như vậy.

Nơi này không tệ, cũng thoải mái, hưởng thụ ngũ dục lục trần. Đến đó dễ lưu luyến, không đến được Thế Giới Cực Lạc, sẽ bị nó giữ lại. Chúng ta biết, thật sự có không ít người đến đây.

Sanh vào nước này, nhiễm sự an vui của nước này, mà khởi tâm giải đãi kiêu mạn, không thể tiến lên để sanh về Cực Lạc được, nên gọi là nước giải mạn, thật sự có một nơi như vậy, ở đây rất giống Thế Giới Ta Bà. Trong Kinh nói rằng Bắc Cu Lô Châu, Bắc Cu Lô Châu an vui, phước báo rất lớn.

Trong Kinh nói thọ mạng của con người khoảng một ngàn tuổi, rất ít chết yểu, nghĩa là rất ít người đoản mạng, đều có thể sống đến một ngàn tuổi. Mọi thứ hưởng thụ ăn mặc đều tự nhiên, như Cõi Trời Tha Hóa tự tại vậy, muốn điều gì lập tức đều hiện ra. Nên vừa nhìn thấy nơi này, nơi này không tệ, sai lầm, tưởng rằng đây chính là Thế Giới Cực Lạc.

Khác với Thế Giới Cực Lạc ở điểm nào?

Ở đây không có Phật, không có Pháp, không có Tăng, đây chính là Bắc Cu Lô Châu. Vĩnh viễn không thấy được Tam Bảo, không nghe được pháp âm.

***