BỒ TÁT VĂN THÙ VÀ PHỔ HIỀN BỒ TÁT TRONG HỘI HOA NGHIÊM, ĐẾN CUỐI CÙNG ĐỀU PHÁT NGUYỆN CẦU SINH TỊNH ĐỘ

 

BỒ TÁT VĂN THÙ VÀ PHỔ HIỀN

BỒ TÁT TRONG HỘI HOA NGHIÊM,

ĐẾN CUỐI CÙNG ĐỀU PHÁT

NGUYỆN CẦU SINH TỊNH ĐỘ

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Tiếp đó, cụ cầu gia bị, kiền kỳ lưỡng độ Đạo Sư, nghĩa là kiền thành khẩn cầu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ở phương này và Bổn Sư A Di Đà Phật trong Thế Giới Cực Lạc, hai vị Đạo Sư trong hai cõi.

Thập Phương Như Lai, trong Kinh, cụ thể là trong Kinh Di Đà, chúng ta thấy Chư Phật trong sáu phương tán thán, còn trong bản Kinh này là mười phương Chư Phật tán thán.

Thượng Sư Bổn Tôn là thầy. Cụ Hoàng, Cụ Hạ đều từng học Thiền Tông, mà cũng đã học Mật Tông. Tông Môn, Giáo Hạ, Hiển Mật viên dung, thảy đều thông đạt, cuối cùng quy hướng Tịnh Độ.

Đây đều là biểu thị pháp cho chúng ta thấy: Bất luận học giáo hay tham thiền, hay tu Mật, đến cuối cùng thì sao?

Cuối cùng vẫn phải niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ.

Điều này khiến cho chúng ta nhìn vào hai vị lão nhân, họ đã làm như thế nào?

Trên thực tế, họ hoàn toàn học theo hai vị Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền trong Hội Hoa Nghiêm, đến cuối cùng đều phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, thật sự sanh về Tịnh Độ.

Họ nêu gương cho chúng ta xem, khiến cho chúng ta là những kẻ chẳng có căn khí giống như họ, họ là bậc thượng thượng căn, chúng ta là kẻ trung hạ căn hay hạ hạ căn, hãy nên khăng khăng một mực nhất tâm quy mạng A Di Đà Phật, suốt đời tuân theo một phương hướng là Tây Phương, một mục tiêu là Thế Giới Cực Lạc, thân cận A Di Đà Phật, đó là đúng, thật sự tiếp nối huệ mạng của Phật.

Chúng ta làm như vậy cũng sẽ ảnh hưởng nhiều người, những người ấy sẽ tiếp tục làm theo. Nói Kim Cang hộ pháp là cầu Thần hộ pháp gia hộ. Từ ân phú hộ từ ân che chở, hộ trì, đó là hộ trì.

Oai đức minh gia là ngấm ngầm gia hộ. Ký thử chú thích, thượng khế Thánh tâm, quảng khải chúng tín, phàm hữu kiến văn, đồng nhập Di Đà Nhất Thừa nguyện hải mong sao bản chú thích này trên khế hợp Thánh tâm, khơi gợi rộng rãi lòng tin của mọi người.

Có ai thấy nghe đều cùng nhập biển nguyện nhất thừa của Phật Di Đà: Mong cho bản chú giải này được Thích Ca, Di Đà gia trì, được mười phương Chư Phật hộ niệm, chẳng chú giải sai lầm, những câu chữ đã chú giải đều hợp với ý nghĩa giáo hóa của Như Lai. Quan trọng nhất là người đời sau sẽ đối với Kinh này và bản chú giải này tin sâu chẳng nghi, quý vị đạt được lợi ích.

Tổ Ấn Quang nói: Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích. Phàm có ai thấy nghe là nói đến kẻ hữu duyên, Phật độ kẻ hữu duyên, có thể thấy Kinh và bản chú giải này chính là kẻ có thể tham dự Pháp Hội này, sẽ cùng nhập biển nguyện nhất thừa của Phật Di Đà. Niệm Phật Đường là A Di Đà Phật nhất thừa nguyện hải.

Nhất thừa là thành Phật, chẳng phải là Bồ Tát, chẳng phải là nhị thừa, hay tam thừa. Nhị thừa là đại thừa và tiểu thừa. Tam thừa là Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát. Nhất thừa là thành Phật. Pháp môn này thẳng chóng, ổn thỏa, là pháp môn thành Phật trong một đời, cho nên gọi là nhất thừa nguyện hải.

Hai chữ cuối cùng là cảm ơn, tức là cảm ơn A Di Đà Phật đã dùng bốn mươi tám nguyện nhiếp thọ hết thảy chúng sanh trong khắp pháp giới hư không giới. Những lời mào đầu của Cụ Hoàng đến đây là hết.

***